Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trả lời tỉnh Lâm Đồng về các bất cập liên quan đến mỏ đất đắp phục vụ thi công các dự án. Theo đó, cơ quan này cho biết đang xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản thay thế Luật Khoáng sản, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, xem xét ban hành vào kỳ họp thứ 8. Tại Điều 7 Dự thảo Luật đã phân nhóm các loại khoáng sản để có phương án ứng xử khác nhau trong công tác quản lý.
Đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp (khoáng sản nhóm 4) sẽ có quy định về quản lý, cấp phép khai thác rất đơn giản theo hướng các tổ chức cá nhân đăng ký phương pháp, khu vực, khối lượng và công nghệ khai thác, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Bản xác nhận để khai thác mà không phải thực hiện thủ tục cấp phép khai thác.
Hiện nay, để giải quyết vướng mắc này, Quốc hội đã có cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 cho phép nhà thầu khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ 21 Dự án trong danh sách áp dụng cơ chế không phải thực hiện thủ tục cấp phép, không phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường.
Trước đó, tỉnh Lâm Đồng phản ánh đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về bất cập khi cấp phép mỏ đất đắp để phục vụ thi công các dự án. Theo đó, tỉnh này cho rằng, các trường hợp khai thác đất, vật liệu san lấp sử dụng để đắp đắp, san lấp cho các dự án không thuộc phạm vi dự án đã được phê duyệt, trước khi khai thác đất san lấp phải lập hồ sơ, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định. Việc thực hiện thủ tục này sẽ thực hiện qua nhiều bước (điều chỉnh bổ sung quy hoạch, thăm dò mỏ, đấu thầu khai thác mỏ,…). Do đó, mất rất nhiều thời gian và hiện nay có một số địa phương trên địa bàn tỉnh hiện đang thiếu các mỏ đất đắp để phục vụ thi công các công trình (đặc biệt là các công trình có quy mô lớn).
Từ đó, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, cắt giảm thời gian, thủ tục trong việc cấp phép khai thác khoáng sản.