Điểm nóng
Lâm Đồng tiêu hủy 20.863 kg phân bón giả
Nhiệt Băng - 17/09/2022 18:27
Đó là kết quả quản lý vật tư nông nghiệp trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thống kê.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, thị trường vật tư nông nghiệp trong năm qua có nhiều biến động, giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao, cá biệt có loại tăng từ 40-50% gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, là cơ hội cho một số doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng, phân bón giả lưu thông trên thị trường.

Cơ quan quản lý cấp tỉnh (Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) đã kiểm tra 652 lượt cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng.

Kết quả, các cơ quan này đã phát hiện và xử lý 277 trường hợp vi phạm (tổng số tiền xử phạt 2,2 tỷ đồng); buộc tiêu hủy 20.863 kg phân bón giả, 123 kg/lít thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Qua lấy 194 mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để kiểm tra chất lượng, các cơ quan kể trên xác định 139 mẫu đạt chất lượng; 46 mẫu kém chất lượng, 9 mẫu phân bón giả.

Cơ quan cấp huyện (Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố) chủ trì kiểm tra 380 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh (277 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 103 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng) cũng phát hiện 76 cơ sở vi phạm (trong đó, 66 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng), xử phạt 258,4 triệu đồng. Kiểm tra chất lượng 35 mẫu phân bón, các cơ quan cấp huyện phát hiện 6/35 mẫu không đảm bảo chất lượng (2 giả, 4 kém chất lượng) chiếm 17 %; 13/35 mẫu chưa có kết quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, công tác kiểm tra vật tư nông nghiệp hời gian qua tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, số lượng cơ sở kiểm tra, số mẫu kiểm tra chất lượng còn thấp (năm 2021 chỉ kiểm tra chất lượng 19 mẫu phân bón và kiểm tra 403 cơ sở chiếm 17,8 % cơ sở theo phân cấp quản lý). Cá biệt, có địa phương trong năm 2021 không kiểm tra vật tư nông nghiệp, nên có nguy cơ để sót các cơ sở vi phạm.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp thay đổi phương thức bán hàng bằng cách bán trực tiếp, giao hàng cho người sử dụng tại trang trại không qua cơ sở kinh doanh, nên khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Chưa kể, các công ty sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không có trụ sở trên địa bàn tỉnh, chỉ thông qua đại lý để bán sản phẩm, nếu phát hiện sai phạm, chỉ xử phạt đại lý kinh doanh sản phẩm đó và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; không thể xử lý toàn bộ lô hàng và công ty sản xuất hàng kém chất lượng.

Tin liên quan
Tin khác