Đầu tư
Làm đường vành đai 3, TP.HCM khó nhất là giải phóng mặt bằng
Lê Quân - 16/07/2022 07:57
Dự án đường vành đai 3 đi qua 4 tỉnh, thành phố, nơi có tốc độ đô thị hóa rất cao, mật độ dân cư dày đặc, nên việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn.

Ngày 15/7 UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai xây dựng Dự án đường vành đai 3, để bàn thảo các giải pháp rút ngắn tiến độ, kịp thời khởi công dự án sớm hơn kế hoạch.

Tại hội nghị Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, Dự án đường vành đai 3 đi qua 4 tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa rất cao, mật độ dân cư dày đặc nên việc giải phóng mặt bằng khó khăn. Nếu không chuẩn bị kỹ các bước thì tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, năm 2023 sẽ là năm cần vốn rất lớn cho giải phóng mặt bằng. Do vậy, Thành phố sẽ tập trung xây dựng kế hoạch vốn để đảm bảo cho giải phóng mặt bằng và thống nhất điều chỉnh bố trí vốn trung hạn 2021 – 2025.

Việc giải phóng mặt bằng Dự án đường vành đai 3 đi qua các khu dân cư với mật độ dày đặc là trở ngại rất lớn cho tiến độ của dự án

Đề xuất giải pháp để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM kiến nghị, đối với các trường hợp xác định là đủ điều kiện được bố trí tái định cư thì khẩn trương tiếp xúc, vận động người dân nhận nhà, đất tái định cư.

Về giá căn hộ, nền đất bố trí tái định cư UBND TP.HCM sẽ phê duyệt giá tái định cư trước khoảng 6 tháng so với thời điểm phê duyệt giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Đối với trường hợp nhận tái định cư bằng nền đất, giao Hội đồng bồi thường của dự án căn cứ vào tiến độ xây dựng nhà của hộ dân để tạm ứng một phần tiền bồi thường cho người dân xây dựng nhà mới nhưng thời gian xây dựng không quá 6 tháng.

Khi ứng tiền, cơ quan chức năng phải giám sát tiến độ xây dựng nhà để đảm bảo số tiền tạm ứng được sử dụng đúng mục đích. Hộ dân được giải quyết nhận tái định cư trước phải cam kết sử dụng tiền được tạm ứng để xây dựng nhà mới (nếu được tạm ứng), cam kết bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.

Về phía địa phương nơi dự án đi qua, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, đề xuất thành phố tạm ứng trước một phần kinh phí cho TP. Thủ Đức và các huyện liên quan để thực hiện trước một số công việc như đo vẽ, kiểm đếm khối lượng giải phóng mặt bằng... Còn nếu chờ đến khi bố trí được vốn, sẽ không kịp mốc thời gian khởi công vào tháng 6/2023.

Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cũng kiến nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát quỹ đất dọc 2 bên đường vành đai 3, đưa vào điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM.

Phát biểu kết luận hội nghị Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, việc giải phóng mặt bằng tại dự án đường vành đai 3 sẽ khó khăn vì bài học kinh nghiệm từ nhiều dự án cho thấy dù có đất, có tiền, có chủ trương nhưng làm không kịp tiến độ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý vấn đề giải phóng mặt bằng cần tính toán đến nhu cầu, hoàn cảnh từng trường hợp để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, hạn chế tối đa cưỡng chế.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM cân nhắc lại phương pháp làm để rút ngắn tiến độ và đạt cột mốc đến cuối năm 2023 có 70% mặt bằng để làm dự án.

Tin liên quan
Tin khác