Một trong những giải pháp chống vi phạm bản quyền là các chủ sở hữu bản quyền phải trang bị các biện pháp chống sao chép, chống truy cập trái phép |
Ngày 12/7, EURO 2020 đã kết thúc với 51 trận đấu được truyền hình trực tiếp trên VTV. Trong suốt 1 tháng diễn ra giải đấu, đơn vị có bản quyền đã phải chiến đấu rất mệt mỏi với nạn vi phạm bản quyền trên website và mạng xã hội. Song song với sóng trực tiếp của VTV, có hàng trăm kênh Facebook, YouTube và website như Xoilac, banhmitv, tructiepbongda, xemtivi… đã livestream trực tiếp, với lượt theo dõi các kênh có khi lên đến hàng trăm ngàn lượt.
Báo cáo mới nhất của VTV cho thấy, Tổ công tác bảo vệ bản quyền của VTV đã chủ động rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo cho UEFA hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên nền tảng Facebook, YouTube và thu thập chứng cứ vi phạm của hàng chục website.
Còn Next Media, đơn vị sở hữu thương quyền truyền hình các trận đấu của Đội tuyển Việt Nam tại vòng loại 2, World Cup 2022, Copa America 2021 và Euro 2020 cũng cho biết, mỗi trận đấu phát sóng trực tiếp, Next Media phát hiện hơn 20.000 tài khoản Facebook, YouTube, hơn 30 trang web lậu, web cá độ bóng đá tiếp sóng trực tiếp trái phép.
“Có những trang web bị đánh sập lại đổi tên miền khác tiếp tục vi phạm, tài khoản mạng xã hội này bị chặn thì mở fanpages khác để tiếp sóng trái phép. Phần lớn website đặt sever, tên miền ở nước ngoài nên việc chặn dứt điểm là rất khó”, bà Đỗ Phương Chi, Giám đốc bản quyền Công ty Next Media cho biết.
VTV đã thành lập Tổ công tác bảo vệ bản quyền EURO 2020 để phối hợp chặt chẽ với OPSEC - đơn vị xử lý vi phạm bản quyền EURO 2020 của UEFA trong việc rà quét, báo cáo và xử lý vi phạm trên các nền tảng số theo quy trình chuẩn. VTV cũng nhận được sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc rà quét và xử lý các vi phạm bản quyền trong lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet và viễn thông như FPT, MobiFone… cũng đồng hành với VTV để kịp thời chặn những trang web có hành vi vi phạm bản quyền giải đấu.
“Cả FIFA và UEFA đều cung cấp cho VTV những công cụ để rà quét toàn bộ vi phạm bản quyền về các giải đấu trên mạng Internet, từ đó VTV có thể xử lý ngay khi phát hiện ra. Ngoài ra, theo kinh nghiệm từ các mùa giải trước, VTV đã tổ chức các diễn đàn, các hội như Hội Hiệp sỹ bảo vệ bản quyền...”, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Trưởng phòng Công nghệ (VTV Digital - VTV) cho biết.
Một giải pháp mà Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử vừa thực thi mới đây là phối hợp cơ quan có thẩm quyền và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet trong nước (các ISP) để triển khai các biện pháp kỹ thuật chặn truy cập 30 websites vi phạm bản quyền phát sóng các giải thể thao thuộc sở hữu của truyền hình K+.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, CEO Thudo Multimedia cho rằng, một trong những giải pháp chống vi phạm bản quyền là các chủ sở hữu bản quyền phải trang bị các biện pháp chống sao chép, chống truy cập trái phép các nội dung có bản quyền. Các doanh nghiệp ngoài việc đảm bảo an toàn tài sản nội dung số còn cần trang bị các giải pháp ghi nhận hành vi xâm phạm bản quyền như ghi log, ghi màn hình… để lưu lại chứng cứ pháp lý.