Độ bảo mật của thẻ có cao?
Nhằm bảo vệ quyền lợi, phòng tránh những rủi ro cho khách hàng trong việc sử dụng thẻ ngân hàng, hầu hết các nhà băng đã đầu tư và đặc biệt chú trọng việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, áp dụng những phương pháp bảo mật tiên tiến.
Trong trường hợp phát hiện giao dịch lạ trong tài khoản, khách hàng phải lập tức thông báo với ngân hàng để được khóa thẻ và hỗ trợ |
Điển hình, thẻ quốc tế của Nam A Bank Mastercard Standard được xây dựng trên nền tảng công nghệ chip EMV, với độ an toàn bảo mật cao, cùng tiện ích xác thực giao dịch thẻ trực tuyến 3D Secure giúp tối đa hóa bảo mật cho chủ thẻ khi giao dịch trực tuyến. Trong quá trình giao dịch, chủ thẻ được yêu cầu nhập mật khẩu OTP do Nam A Bank cung cấp qua SMS, mail đăng ký của khách hàng để hoàn tất bước thanh toán sau khi nhập các thông tin thẻ cơ bản. Nếu nhập không chính xác hoặc đóng cửa sổ này, giao dịch thanh toán sẽ mặc nhiên không thành công.
Bên cạnh áp dụng các công nghệ bảo mật, ngân hàng còn thường xuyên thông tin đến khách hàng những lưu ý, giải pháp trong quá trình sử dụng thẻ để phòng tránh rủi ro.
Tuy nhiên, theo tổng giám đốc một ngân hàng, nguyên tắc quan trọng nhất là khách hàng cần giữ thẻ cẩn thận, luôn mang theo thẻ và không bao giờ đưa thẻ cho người khác sử dụng, hoặc chia sẻ thông tin về thẻ như số thẻ, ngày hết hạn, số PIN, số CVV (ba chữ số ở mặt sau thẻ), mã OTP.
Các nhà băng khuyến cáo, khi thanh toán online, ngoài các trang uy tín có độ an toàn cao, khách hàng không nên truy cập các trang thương mại điện tử lạ, cần kiểm tra xem trang web đó có phải là trang web được bảo mật hay không. Dấu hiệu để nhận biết một trang web được bảo mật là địa chỉ của trình duyệt được bắt đầu bởi cụm https:// và có một biểu tượng ổ khóa màu xanh.
Chủ động phòng ngừa rủi ro
Tình trạng tội phạm thẻ ngày càng gia tăng và phức tạp hơn. Gần đây, đã xảy ra không ít vụ mất tiền trong tài khoản thẻ, mặc dù thể đang nằm trong túi của chủ thẻ.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, giao dịch trên thẻ tín dụng còn nhiều bất cập về an ninh, bảo mật do khách hàng quẹt thẻ thanh toán dễ bị lộ thông tin khiến kẻ gian lấy được thông tin đó làm thẻ giả để ăn cắp tiền. Vì thế, để hạn chế rủi ro trong thanh toán thẻ, theo ông Thắng, đối với khách hàng quẹt thẻ ở nước ngoài thì việc đầu tiên khi về nước là đổi thẻ, số thẻ cũ sẽ không có giá trị nếu bị hack. Còn đối với ngân hàng, nên ứng dụng phần mềm thông báo bằng tin nhắn đến số điện thoại của chủ thẻ xác minh lần nữa về việc chủ thẻ có đồng ý tiêu số tiền đó không...
Trong khi đó, Trung tâm Thẻ của Nam A Bank khuyến cáo, trong trường hợp phát hiện giao dịch lạ trong tài khoản, khách hàng phải lập tức thông báo với ngân hàng để được khóa thẻ và hỗ trợ. Để đảm bảo an toàn, Nam A Bank chủ động liên hệ khách hàng để xác nhận nếu thẻ có phát sinh giao dịch thanh toán online từ 5 triệu đồng trở lên và các giao dịch lớn hơn 50% hạn mức tín dụng. Ngoài ra, khi phát hiện các giao dịch lạ từ tài khoản của khách hàng, Nam A Bank sẽ lập tức liên hệ với chủ thẻ để khóa thẻ nhằm đảm bảo an toàn, tránh phát sinh các giao dịch lạ tiếp theo.
Về phần mình, từ ngày 19/11/2018, Sacombank đã ngừng cấp mã PIN thẻ bằng hình thức in mã PIN lên giấy và thay vào đó là cho phép khách hàng chủ động đến ATM để thực hiện kích hoạt, tạo mã PIN đối với thẻ tín dụng hoặc thẻ thanh toán mới được phát hành. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sacombank, để gia tăng bảo mật, ứng dụng mCard của Sacombank cho phép người dùng đăng nhập bằng vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt (Face ID). Kèm theo đó là việc tích hợp tất cả loại thẻ (mở tại Sacombank) vào một ứng dụng, cho phép khách hàng sử dụng tùy vào nhu cầu.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, bản thân các chủ thẻ cũng cần cẩn trọng, nên trực tiếp ký hóa đơn khi thanh toán bằng thẻ. Ngoài ra, cần đăng ký dịch vụ bảo mật với ngân hàng. Đồng thời, khi mua hàng trên mạng, chỉ chọn các trang web đảm bảo, uy tín để giao dịch.