Ông đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư giữa DN Nhật Bản với tỉnh Nghệ An?
Đây là lần thứ hai, tôi đến cơ hội đến thăm và tìm hiểu về Nghệ An. Cách đây hai năm, lần đầu tiên, tôi đã đến Nghệ An để tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Bắc Trung Bộ, còn lần này, tôi và đoàn đã trực tiếp đến tìm hiểu nhiều điểm của Nghệ An. Qua đó, chúng tôi nhận thấy, Nghệ An rất đa dạng và có nhiều tiềm năng.
| ||
Ông Hirokaza Yamaoka, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam |
Chúng tôi đã đến thăm nhà máy may xuất khẩu của Công ty TNHH MLB Tenergy (Nhật Bản) tại huyện Yên Thành.
Lãnh đạo Công ty cho biết, cho dù quy mô đầu tư ban đầu chưa lớn, nhưng họ rất hài lòng với hoạt động tại Nghệ An và sẽ có kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư.
Hiện DN Nhật Bản đang đầu tư lớn vào nhà máy lọc dầu tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Để tận dụng được lợi thế đó, theo tôi, Nghệ An có thể xác định được 2 hướng đi.
Thứ nhất, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nặng ở gần nhà máy lọc dầu đó.
Thứ hai là, trong 6 tháng tới, nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn sẽ cần một số lượng người Nhật lớn sang làm việc tại đây. Do đó, chắc chắn, họ sẽ dành thời gian cuối tuần đi nghỉ tại TP. Vinh, vì đây là thành phố lớn duy nhất gần Nghi Sơn và cũng khá hợp với người Nhật.
Như vậy, người Nhật sẽ làm việc tại Nghi Sơn, nhưng lại chi tiêu tiền cho việc nghỉ ngơi ở Vinh, đi chơi golf ở Cửa Lò. Khoản tiền chi tiêu là rất lớn. Cho nên, Nghệ An cần phát triển các ngành dịch vụ để đáp ứng nhu cầu này.
Theo ông, thế mạnh, chiến lược đầu tư hiện nay của các DN Nhật Bản là gì?
Đến thời điểm này, Nhật Bản đã trở thành nước có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2012, đã có 317 dự án FDI của Nhật Bản được cấp phép đầu tư tại Việt Nam.
Hiện tại, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của Nhật Bản có xu hướng đầu tư lớn ra nước ngoài và khu vực được triển khai nhiều nhất là Đông Nam Á.
Hiện tại, quan hệ hợp tác, ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam rất tốt, nhưng phải nói thẳng là để đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, đối với DN Nhật Bản không phải là điều dễ dàng. Song Việt Nam và Nhật Bản cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có thể giải quyết nhanh chóng các vướng mắc, vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.
Là địa phương gần như hội đủ các thế mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư, Nghệ An cần phải làm gì để có thể trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản?
Đến thời điểm này, số DN Nhật Bản đầu tư vào Nghệ An còn ít, nhưng tỉnh có nhiều tiềm năng, trước hết diện tích và quỹ đất lớn, dân số đông và TP. Vinh cũng rất hấp dẫn với người Nhật. Theo tôi, trong chiến lược phát triển của mình, Nghệ An cần lấy Vinh làm trung tâm, và tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho Vinh và các vùng phụ cận (trong bán kính 1 giờ chạy xe) thật tốt.
Nếu như Nghệ An phát triển được theo mô hình đó, thì người Nhật có thể có một cuộc sống khá lý tưởng ở Vinh và vùng phụ cận. Tôi đã từng trao đổi với nhiều DN Nhật Bản, khi nói đến địa điểm đầu tư cần căn cứ vào những tiêu chí gì, thì họ đều trả lời: thứ nhất là phải thu được lợi nhuận, thứ hai là làm sao cho người lao động làm công cho mình có được cuộc sống tốt.
Sau chuyến làm việc này, ông sẽ có thông điệp gì với các DN Nhật Bản?
Tôi sẽ nêu câu chuyện đầu tư thành công của nhà máy may tại Yên Thành. Nhà đầu tư hài lòng với môi trường đầu tư - kinh doanh tại đây và đang giới thiệu, kêu gọi một số DN ở những lĩnh vực khác vào đầu tư vào Nghệ An.
Cũng phải nói thêm rằng, cách quảng bá xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất không phải là từ cơ quan xúc tiến đầu tư của Việt Nam, mà là để những nhà đầu tư hiện hữu nói lại, đưa ra những lời khuyên với các DN sắp có ý định đầu tư.
Thế An