Năm 2024 tiếp tục là một năm nhiều thách thức. Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo ngành tài chính đánh giá tình hình thế giới năm 2024 tiếp tục phát sinh nhiều bất ổn, khó khăn, thách thức lớn ngoài dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cả về địa chính trị, kinh tế, thương mại, công nghệ,...; xung đột quân sự leo thang tại nhiều quốc gia.
Cùng đó, giá năng lượng, lương thực, hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tuy giảm song còn ở mức cao. Mỹ và nhiều nước lớn trì hoãn việc cắt giảm lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát; khó khăn, rủi ro về nợ công; thiên tai, dịch bệnh,... Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều rủi ro. Thương mại toàn cầu được cải thiện, nhưng mức tăng còn thấp, sức mua tại các thị trường lớn, như: Mỹ, EU, Trung Quốc còn yếu.
Ở trong nước, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít nước đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm; sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, mưa bão, sạt lở đất nghiêm trọng diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại lớn về hạ tầng kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tuy nhiên, lạm phát tại Việt Nam là một điểm sáng được đánh giá cao. Giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, chỉ số CPI bình quân 11 tháng được kiểm soát, tăng 3,69% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,7%. Trong đó, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với mức tăng 0,87%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,29%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,26%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,21%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,2%; nhóm giáo dục tăng 0,11%,…..
Cũng theo báo cáo, ước cả năm 2024, CPI bình quân tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu (4-4,5%). Các số liệu cụ thể sẽ được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1 tới. Tuy nhiên, thông tin thêm khi phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã hoàn thành và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024. Cùng với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo các báo cáo sơ bộ hiện nay, Thủ tướng cho biết lạm phát cả năm tăng khoảng 3,65%. Như vậy, tăng trưởng quý sau thì cao hơn quý trước. Lạm phát tháng sau thì thấp hơn tháng trước. Lạm phát đã thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu mà Quốc hội và Trung ương đề ra.
Kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, giá cả thị trường cơ bản ổn định. Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá đã được hoàn thiện đồng bộ với Luật Giá (năm 2023). Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 14 Thông tư hướng dẫn, qua đó đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.