Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 69,45 - 70,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với sáng hôm qua nhưng cũng đã hạ nhiệt đáng kể sau khi tăng nóng trong phiên hôm qua. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 700.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 14 triệu đồng/lượng.
Mặc dù vẫn giữ ở mức cao (quanh mốc 1.870 USD/ounce) nhưng giá vàng đã có sự điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch ngày hôm nay trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 9 được công bố cao hơn so với dự kiến đã khiến giới đầu tư lo ngại lãi suất cao sẽ được duy trì trong thời gian dài hơn.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,24% lên 1.873,16 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,11% lên 1.885,1 USD/ounce.
Tại báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 đã tăng 0,4% so với tháng trước và 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai chỉ số đều cao hơn ước tính của các chuyên gia kinh tế đã khảo sát là 0,3% và 3,6%.
Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi tăng 0,3% so với tháng 8 và 4,1% so với một năm trước, tương ứng với kỳ vọng của các nhà kinh tế. CPI tăng đồng nghĩa với việc tiền lương thực tế của người lao động đang đi xuống.
Ở một báo cáo khác, Bộ Lao động Mỹ cho biết thu nhập trung bình theo giờ thực tế đã giảm 0,2% so với tháng trước vào tháng 9. So với cùng kỳ năm trước, tiền lương thực tế của người Mỹ tăng 0,5%.
Báo cáo CPI mới được công bố ngay thời điểm các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tính toán bước đi tiếp theo.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ và chỉ số USD Index đồng loạt tăng sau khi dữ liệu này được đưa ra.
Nhà giao dịch độc lập Tai Wong nhận định, chỉ số CPI nóng hơn đã phần nào khiến đà phục hồi của thị trường vàng bị cản trở. Tuy nhiên, "sự cố" này không quá nghiêm trọng, chưa đủ để gây ra làn sóng bán tháo trên diện rộng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột địa chính trị đang leo thang trên thế giới.
Theo công cụ CME Fedwatch, các nhà giao dịch hiện nhận thấy xác suất Fed tăng lãi suất vào tháng 12 là 38%, so với khoảng 28% khả năng được ghi nhận trước khi báo cáo được công bố.
Ngoài ra, trong báo cáo mới được công ty quản lý tài sản lớn thứ 4 thế giới State Street Global Advisors công bố, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã nắm giữ số lượng vàng kỷ lục kể từ đầu năm 2022, nhằm thoát khỏi tình trạng tập trung quá mức dự trữ bằng đồng USD.
Theo đó, các cơ quan tiền tệ trên khắp các quốc gia đã mua ròng 387 tấn vàng trong nửa đầu năm 2023, sau khi mua 1.083 tấn - số lượng chưa từng có trong cả năm ngoái. Ngoài việc đa dạng hóa dự trữ, xu hướng này còn được thúc đẩy bởi mong muốn của các ngân hàng trung ương trong việc củng cố bảng cân đối kế toán và tăng tính thanh khoản mà không gây thêm rủi ro tín dụng.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,17% xuống 106,42 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 13/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.077 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên trước.
Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.874 - 25.280 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.310 VND/USD (mua vào) và 24.650 VND/USD (bán ra).