Chương trình có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng hơn 400 học sinh, giáo viên các trường THCS, THPT đi đầu trong phong trào khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông trong nhà trường phổ thông có vai trò quan trọng. |
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề án 1665 - Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại trường.
Hoạt động cũng tạo môi trường để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo công ăn việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Phát biểu tại buổi Toạ đàm, ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, nhằm triển khai hiệu quả đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, Bộ xác định triển khai ba nhóm nhiệm vụ lớn gồm là tăng cường công tác truyền thông; hỗ trợ đào tạo; tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Với mục tiêu đó, Tọa đàm là cầu nối để học sinh có cơ hội học hỏi, được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ những diễn giả đã và đang khởi nghiệp thành công từ nhiều lĩnh vực.
Qua những trao đổi, sẻ chia của các diễn giả, nhiều học sinh đã có thêm kiến thức, sự tự tin trong chặng đường lập nghiệp, tìm kiếm được các nguồn hỗ trợ và kết nối, học hỏi từ người đi trước.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phenikaa, Tổng giám đốc Phenikaa School chia sẻ, việc các em càng tiếp cận, làm quen sớm sẽ giúp các em biết những điều cần có của một doanh nghiệp khởi nghiệp, từ đó xác định được thế mạnh của mình, cần trang bị những kiến thức, kỹ năng gì cho nghề nghiệp mình yêu thích trong tương lai.
Với sự hỗ trợ của nhà trường và đồng hành của doanh nghiệp, các em đã chuẩn bị cho mình một nền tảng vững chắc để bước chân vào con đường khởi nghiệp.
“Từ năm học 2023-2024, chúng tôi bắt đầu đưa vào chương trình môn học khởi nghiệp - hướng nghiệp, học sinh sẽ được trang bị các kiến thức về lĩnh vực này”, ông Tuấn nói.
Tham dự Hội thảo, bà Trần Thị Minh Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều cuộc chia sẻ như thế này bởi sẽ khơi gợi cho học sinh ước mơ, dự định khởi nghiệp.
Ngoài ra, các diễn giả là người thành công trong quá trình khởi nghiệp chia sẻ về hướng đi, những thách thức phải đối mặt và các bài học để dẫn đến thành công.
Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông trong nhà trường phổ thông có vai trò quan trọng, là một hoạt động không thể thiếu được ở các trường phổ thông nhằm giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp và chính bản thân học sinh để có thể định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp.
Trong những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong nhà trường phổ thông đã được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp quản lý giáo dục;
Bên cạnh đó, bước đầu đã có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội đối với việc chọn nghề, chọn ngành, huy động ngày càng nhiều số lượng học sinh sau phổ thông tham gia thị trường lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hướng nghiệp học sinh trong trường phổ thông trong thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế như chưa thực hiện hết chức năng của giáo dục hướng nghiệp;
Chưa tạo ra sự khác biệt về chất cả trên bình diện thái độ nghề nghiệp lẫn hiểu biết nghề nghiệp, đặc biệt là chưa phát triển được năng lực lựa chọn nghề nghiệp phù hợp của từng học sinh dựa trên sự hiểu biết rõ về năng lực của bản thân và hiểu biết những yêu cầu cốt yếu của nghề mà người học định chọn.
Công tác phân luồng học sinh phổ thông đi học giáo dục nghề nghiệp chưa đẩy mạnh được phân luồng, tỷ lệ phân luồng trong những năm qua cả nước còn thấp, học sinh sau trung học chủ yếu mong muốn đi học đại học.
Trong thời gian tới để nâng cao công tác hướng nghiệp cho học sinh theo chuyên gia cần tập trung một số giải pháp.
Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông qua việc đổi mới và tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, xã hội,
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp, đẩy mạnh phân luồng trong trường phổ thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường gắn với việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.
Thứ ba, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tư vấn, nhất là phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm để làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong các trường phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Thứ tư, tăng cường cơ sở vật chất (phòng học bộ môn, phòng tin học), trang thiết bị dạy học tiên tiến gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.
Thứ năm, huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng trong giáo dục, trong đó, tăng cường sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tài liệu và đánh giá kết quả giáo dục hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục phổ thông với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm khai thác, sử dụng các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.