Đầu tư
Làm rõ đề xuất hướng tuyến, nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Anh Minh - 17/10/2024 17:24
Ngoài 23 ga hành khách trên tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được xác định, trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ xem xét các vị trí các ga tiềm năng khi có nhu cầu vận tải đủ lớn.
Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao được Tư vấn nghiên cứu, lựa chọn “ngắn nhất có thể”. (Ảnh: AI).

Đây là một trong những nội dung trong công văn vừa được Bộ GTVT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thành viên Hội đồng Thẩm định nhà nước; tổ chuyên gia thẩm định liên ngành để giải trình tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (phiên họp lần thứ hai).

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao “ngắn nhất có thể” 

Một trong những nội dung được Bộ GTVT giải trình làm rõ là hướng tuyến và việc lựa chọn bố trí nhà ga trên tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo Bộ GTVT, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao được Tư vấn nghiên cứu, lựa chọn “ngắn nhất có thể” và đáp ứng các nguyên tắc: phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch của địa phương; đáp ứng các yêu cầu về điểm khống chế; chiều dài tuyến giữa các ga ngắn nhất; đáp ứng yêu cầu kỹ thuật (độ dốc tối đa, bán kính đường cong nằm), tạo êm thuận cho hành khách.

Bên cạnh đó, hướng tuyến phải hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực tập trung đông dân cư, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu; bảo đảm liên kết hành lang Đông - Tây, các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Trên cơ sở đó, ngay từ năm 2018, Bộ GTVT đã xây dựng 3 phương án hướng tuyến với sự hỗ trợ của tư vấn quốc tế để phân tích, đánh giá và thỏa thuận thống nhất với các địa phương.

Trong đó, phương án tuyến lựa chọn đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất trên nguyên tắc thẳng nhất có thể.

Thực hiện ý kiến Hội đồng Thẩm định nhà nước tại phiên họp thứ nhất, chủ đầu tư và tư vấn đã phối hợp với các địa phương rà soát hướng tuyến qua địa bàn. Bộ GTVT đã gửi văn bản lấy ý kiến và họp với UBND các tỉnh/thành phố về phương án hướng tuyến, kết quả: 18/20 địa phương đã có văn bản đề nghị giữ nguyên hướng tuyến như Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; 2/20 địa phương kiến nghị điều chỉnh một số vị trí so với hướng tuyến trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Chủ đầu tư đã chỉ đạo Tư vấn tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ Dự án. Kết quả sau rà soát chiều dài toàn tuyến giảm từ 1.545 km xuống còn 1.541 km.

Như vậy, hướng tuyến đã được nghiên cứu theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, các đường cong đều được kiểm toán bảo đảm yêu cầu về an toàn, êm thuận cho hành khách; đồng thời, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 458/TB-VPCP ngày 6/10/2024, Bộ GTVT đã có văn bản giải trình gửi Hội đồng thẩm định nhà nước.

Đến nay, hướng tuyến dự án đã được các địa phương cập nhật vào quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

“Trong bước Báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Tư vấn rà soát, nghiên cứu điều chỉnh để bảo đảm hướng tuyến tối ưu nhất”, Bộ GTVT cho biết.

Đối với ga khách, tuyến đường sắt tốc độ cao bố trí 23 ga hành khách theo nguyên tắc: phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương; đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương hoặc khu vực gần trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; đảm bảo kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông công cộng; đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện.

Bộ GTVT cho biết, tiếp thu kiến nghị của tỉnh Bình Thuận, ga Mương Mán sẽ dịch chuyển về vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 4 km về phía Bắc (ga Phan Thiết).

Xác định quy mô các ga

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến Hội đồng Thẩm định nhà nước, trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ xem xét các vị trí các ga tiềm năng khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật khai thác sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi đầu tư các khu ga theo phương thức PPP.

Đối với ga hàng, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn rà soát, đề xuất xây dựng 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn kết nối với TP. Hà Nội, TP.HCM, các cảng biển lớn, khu kinh tế ven biển và kết nối hệ thống đường sắt phục vụ vận tải liên vận quốc tế, thuận lợi cho công tác hậu cần phục vụ quốc phòng, an ninh, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Về vị trí ga hàng hóa tại khu vực Hà Nội, tiếp thu kiến nghị của UBND TP. Hà Nội, sẽ chuyển ga hàng hóa tại khu vực Ngọc Hồi về Thường Tín.

Bên cạnh đó, trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga (nếu có), nhất là các vị trí có lợi thế kết nối với các đầu mối giao thông lớn, các khu kinh tế, trong đó có đoạn tuyến qua tỉnh Nam Định.

Về quy mô các ga, Bộ GTVT cho biết, trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xác định mỗi vị trí ga khách đều quy hoạch không gian phát triển từ 250 - 300 ha (trừ ga Thủ Thiêm), gồm 3 khu chức năng, trong đó khu trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, bãi đỗ xe có diện tích 6 - 8 ha tương đồng với quy mô nhà ga đường của các tuyến đường sắt tại Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản... ; khu vực dịch vụ, thương mại có diện tích từ 10 - 15 ha; khu vực đô thị dịch vụ có diện tích 250 - 300 ha.

Bộ GTVT cho biết, trong dự án chỉ sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư khu chức năng trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách.

Phần phục vụ cho mục đích thương mại, phát triển TOD sẽ do địa phương kêu gọi nhà đầu tư thực hiện và tùy theo điều kiện cụ thể sẽ xác định quy mô cho phù hợp, khuyến khích quy hoạch quy mô lớn.

Riêng đối với ga Ngọc Hồi, là ga đầu mối đường sắt khu vực TP. Hà Nội, được tích hợp với các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, được quy hoạch khoảng 250 ha; ga Thủ Thiêm, tích hợp với các tuyến đường sắt đô thị, quy mô dự kiến khoảng 17 ha.

Đối với ga hàng có quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5 ha. Trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, Tư vấn rà soát, nghiên cứu đề xuất vị trí, quy mô cụ thể các nhà ga phù hợp đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu: nhà ga trung tâm, quảng trường ga và các công trình kết nối đa phương thức.

Diện tích phát triển TOD dự kiến tại các khu ga: Ngọc Hồi khoảng 376 ha, Phủ Lý khoảng 361 ha, Nam Định khoảng 312 ha, Ninh Bình khoảng 300 ha, Thanh Hóa khoảng 481 ha, Vinh khoảng 245 ha, Hà Tĩnh khoảng 319 ha, Vũng Áng khoảng 187 ha, Đồng Hới khoảng 268 ha, Đông Hà khoảng 310 ha, Huế khoảng 424 ha, Đà Nẵng khoảng 470 ha, Tam Kỳ khoảng 324 ha, Quảng Ngãi khoảng 307 ha, Diêu Trì khoảng 250 ha, Tuy Hòa khoảng 554 ha, Diên Khánh 348 ha, Tháp Chàm khoảng 282 ha, Phan Rí khoảng 340 ha, Mương Mán khoảng 226 ha, Long Thành 33 9 ha.
Tin liên quan
Tin khác