TIN LIÊN QUAN | |
Không thể chờ ngân sách rủng rỉnh mới tính làm Sân bay Long Thành | |
Sân bay Long Thành: Cần nhưng chưa đủ | |
Xây sân bay Long Thành: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa |
Được biết, trong khoảng 15 ngày qua, có ít nhất 4 báo cáo giải trình với những thông tin được đánh giá là vượt cả phạm vi của một báo cáo đầu tư, được Chính phủ chủ động gửi Quốc hội, đã giúp các đại biểu có thêm góc nhìn tương đối đầy đủ về quy mô, vai trò; sự cần thiết phải đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; khả năng huy động vốn và tác động của Dự án tới tình hình nợ công trong giai đoạn 5 - 10 năm tới.
Vẫn còn ít nhất 4 câu hỏi liên quan tới công trình quan trọng quốc gia này đang được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm |
Đây cũng là lý do giải thích tại sao mà vào thời điểm này, sự đồng thuận về việc cần thiết phải đầu tư công trình được ghi nhận qua các phiên thảo luận tại Quốc hội đã tăng lên đáng kể so với thời điểm Báo cáo đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Chính phủ trình Quốc hội vào đầu tháng 10/2014.
Mặc dù vậy, vẫn còn ít nhất 4 nhóm câu hỏi liên quan tới công trình quan trọng quốc gia này đang được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thậm chí yêu cầu cơ quan chủ trì lập Dự án phải giải trình bổ sung, làm rõ.
Đầu tiên là tính khả thi tài chính, khả năng hoàn vốn hay hiệu quả đầu tư, lợi ích lâu dài của Sân bay Long Thành liệu có được đảm bảo khi nhiều dữ liệu dự báo đầu vào chưa được kiểm chứng, nhất là dự báo về sản lượng hành khách quốc tế. Đây là mối quan tâm được nhiều đại biểu nêu ra trong quá trình thảo luận bởi một lượng vốn quan trọng cung cấp cho Dự án sẽ được huy động từ các khoản vay ODA hoặc ORC có bảo lãnh của Chính phủ mà nếu Dự án không khả thi thì đối tượng trả nợ cuối cùng chính là người dân.
Hai là việc đầu tư Sân bay Long Thành là cần thiết, nhưng đã thực sự cấp bách và có thể lùi thời điểm xây dựng lại 10 - 15 năm nữa?
Ba là quy mô đầu tư Dự án trong giai đoạn I có nên thu hẹp lại để đáp ứng mục tiêu thực tế và vừa sức hơn là trở thành cảng hàng không quốc tế bình thường có nhiệm vụ san sẻ áp lực quá tải cho Sân bay Tân Sơn Nhất hơn là hướng tới mục tiêu xa là trở cảng hàng không trung chuyển quốc tế của khu vực?
Bốn là trong bối cảnh ngân sách nhà nước nói riêng, nguồn lực toàn xã hội nói chung còn hạn chế, việc dồn quá nhiều vốn cho một dự án hạ tầng liệu có lấy đi cơ hội triển khai của hàng loạt dự án phát triển và các chương trình mục tiêu để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội khác không kém phần quan trọng?
Ở chiều ngược lại, nếu xếp lại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thì cái được lớn nhất là bớt nỗi lo gánh nặng nợ công và nguy cơ một công trình kém hiệu quả, nhưng đổi lại sự phát triển của đầu tàu kinh tế phía Nam và ngành du lịch cả nước sẽ bị ảnh hưởng khi Sân bay Tân Sơn Nhất nhiều khả năng sẽ tắc nghẽn. Và hàng không Việt Nam, với lợi thế lớn được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế dự báo là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực, sẽ không có đủ năng lực hấp thụ lượng hành khách lên tới 90 triệu vào năm 2020.
Những phân tính, mổ xẻ đa chiều theo hướng xây dựng, tích cực như trên là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh những quan ngại về chi phí xây dựng Dự án mới đều chỉ dừng ở mức khái toán; khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân chưa rõ... Đây cũng là điều mà cử tri cả nước tiếp tục trông đợi từ các đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về nội dung này dự kiến diễn ra sau trung tuần tháng 11 này.
Cần phải nói thêm, việc nhận diện chính xác cơ hội và rủi ro, đề xuất được cơ chế xử lý không chỉ giúp chủ đầu tư căn chỉnh báo cáo đầu tư để có thể được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới, mà còn giúp cho công trình hạ tầng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thậm chí trong vòng chục năm tới, khi triển khai sẽ thực sự trở thành động lực to lớn, có sức lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước.
Anh Minh