Doanh nghiệp
Làm rõ tỷ lệ cổ phần bán cho đối tác chiến lược của TCT Cảng hàng không Việt Nam
Anh Minh - 06/08/2015 19:29
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh về phương án cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do ACV quản lý, khai thác

 

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu các ý kiến của các bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông báo số 185/TB – VPCP và giải trình rõ tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược để hoàn chỉnh phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trước đó, trong Tờ trình số 5326 đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hoá ACV vào tháng 5/2015, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ Nhà nước tại công ty Mẹ từ 75% xuống không thấp hơn 65% theo hình thức bán bớt phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào thời điểm thích hợp sau cổ phần hoá ACV.

“Căn cứ vào nhu cầu vốn thực tế từng thời điểm, ACV sẽ phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu vào thời điểm thuận lợi, đảm bảo tỷ lệ nắm giữ vốn của nhà nước tại doanh nghiệp không thấp hơn 65% vốn điều lệ”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đề nghị.

Được biết, trong cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu của ACV, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ; 0,41% vốn điều lệ sẽ được bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiêp; 0,13% vốn điều lệ bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn; 20% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và 3,47% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai.

Cũng giống như trường hợp của Hãng hàng không quốc gia – Vietnam Airlines, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, được coi là có ảnh hưởng rất lớn đối với chiến lược quản lý kinh doanh của ACV giai đoạn hậu cổ phần hoá.

Bộ Giao thông vận tải cho biết là trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng tiêu chí, sau khi các nhà đầu tư tiềm năng gửi hồ sơ tham dự, Bộ sẽ chỉ đạo Tổng công ty xây dựng bộ tiêu chí chi tiết làm cơ sở lựa chọn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với phương án có độ “mở” lớn hơn cho các cổ đông bên ngoài tham gia sở hữu và vận hành so với ý tưởng được đưa ra hồi giữa năm 2014 (Nhà nước nắm giữ tối thiểu 75% vốn điều lệ), sức hấp dẫn của cổ phiếu doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn vào loại bậc nhất trong ngành Giao thông vận tải sẽ tăng đáng kể.

Được biết, việc cổ phần hoá tổng công ty này thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Pháp. Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không (miền Bắc, miền Nam, miền Trung), ACV là một trong những DN có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. ACV đang khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, 3 công ty con. Năm 2015, Công ty Mẹ - ACV được Bộ Giao thông vận tải giao chỉ tiêu kế hoạch như sau- doanh thu và thu nhập khác là 9.810,5 tỷ đồng, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là 1.307,6 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 7,9%.

Liên quan tới, mức giá khởi điểm cổ phiếu của ACV hiện được chốt ở mức 11.100 đồng/cổ phần, Bộ Giao thông vận tải cho biết là mức giá này đảm bảo được nguyên tắc bảo toàn lợi ích phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

“Mức giá này cao hơn với mệnh giá, nhưng vẫn đảm bảo tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư nhờ tiềm năng tăng trưởng trong tương lai và lĩnh vực kinh doanh đặc thù của ACV”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Tin liên quan
Tin khác