Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an vừa ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai “Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) vào sáng 24/11/2023.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, Bộ Tài chính, trong đó có UBCKNN luôn nhận thức được tầm quan trọng của Đề án 06 và cũng đã có những đề xuất, góp ý và đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy, triển khai thực hiện Đề án 06.
UBCKNN đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, bao gồm thành lập Tổ công tác để triển khai nhiệm vụ; xây dựng Kế hoạch phối hợp triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 giữa UBCKNN và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Chủ tịch UBCKNN cũng nhấn mạnh Kế hoạch này là căn cứ hết sức quan trọng để phối kết hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan trong thực thi nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ Tài chính giao phó. Với các đầu việc cụ thể đã được chi tiết hóa, phân công đơn vị đầu mối, các đơn vị phối hợp và thời hạn hoàn thành cụ thể, Kế hoạch sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành chứng khoán, góp phần thực hiện mục tiêu tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung cũng như chuyển đổi số ngành chứng khoán nói riêng.
Thay mặt Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội- Bộ Công an, thống nhất các nội dung chi tiết của Kế hoạch, đồng thời, nhấn mạnh các đơn vị tham gia triển khai Kế hoạch phải bám sát nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Công an.
Đại tá Vũ Văn Tấn cũng cho biết, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã giao Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư phối hợp với Cục Công nghệ thông tin- UBCKNN khẩn trương thống nhất quy trình, yêu cầu nghiệp vụ khai thác các thông tin đặc thù, phương án làm sạch dữ liệu đối với nhà đầu tư chứng khoán, người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, nghiên cứu giải pháp sử dụng tài khoản VNeID trong việc mở và sử dụng tài khoản chứng khoán.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương và Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an đã ký Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 giữa UBCKNN với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Kế hoạch tập trung thực hiện gồm 03 nhóm nhiệm vụ chính, gồm (1) Đối soát, xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán và dữ liệu người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán; (2) Kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngành chứng khoán; (3) Ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử định danh thông tin nhà đầu tư chứng khoán.
Trước đó, trung tuần tháng 10, Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban chứng khoán Nhà nước phải kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. Cụ thể, là sẽ thực hiện đối chiếu thông tin của người dùng để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo. Theo yêu cầu của Chính phủ, công việc cần phải hoàn thành ngay trong tháng 11/2023.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 97 Luật Chứng khoán 2019, hiện nay chứng chỉ hành nghề chứng khoán bao gồm chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán; chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính; chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ. Đây cũng là điều kiên bắt buộc với người hành nghề chứng khoán, tuỳ từng vị trí.
Ngày 06/01/2022, Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu với Chính phủ phê duyệt, triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với 05 nhóm tiện ích cụ thể để đổi mới quản trị quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đây là Đề án đặc biệt được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng và triển khai quyết liệt.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện, Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 15 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương; đã tiếp nhận trên 1,3 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin phục vụ làm sạch dữ liệu và giải quyết các thủ tục hành chính.