Làn sóng thứ 2 “cắt quảng cáo” trên YouTube
Trong một động thái mới nhất, nhãn hiệu sữa Vinasoy đã quyết định tạm dừng quảng cáo trên YouTube vì “ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu”.
Quyết định này có liên quan đến việc quảng cáo của Vinasoy xuất hiện trong video có nội dung không phù hợp với trẻ em, thu hút nhiều bình luận tục tĩu, mang tư tưởng ấu dâm.
. |
Cùng thời điểm, Hãng hàng không Vietjet Air cũng đã gửi thư thông báo tới Google khi nhận được thông tin về quảng cáo của hãng xuất hiện cạnh nội dung không phù hợp. "Chúng tôi đã nói rõ, nếu Google không kiểm soát được, Hãng sẽ dừng ngay quảng cáo YouTube", đại diện Vietjet Air cho biết.
Chưa hết, đại diện FrieslandCampina Việt Nam, đơn vị sở hữu nhãn hiệu Cô gái Hà Lan, khẳng định không chấp nhận việc hình ảnh quảng cáo của Công ty xuất hiện bên cạnh những nội dung phản cảm, không lành mạnh. Đây là sự việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh thương hiệu của Công ty với 145 năm kinh nghiệm.
Vào tháng 11/2017, nhiều thương hiệu lớn như Lidl, Mars, Cadbury, Adidas, Deutsche Bank, Cadbury và Hewlett-Packard... đã đồng loạt ngừng chạy quảng cáo trên YouTube sau khi phát hiện quảng cáo của mình bị đặt cạnh các nội dung xâm hại trẻ em. Trước đó, vào hồi tháng 3/2017, nhiều hãng đồ tiêu dùng lớn đã tạm dừng quảng cáo tại YouTube sau khi phát hiện quảng cáo của họ xuất hiện ở những video có nội dung xúc phạm, phân biệt chủng tộc.
Uớc tính, đến cuối tháng 11/2017, có khoảng 2 triệu quảng cáo trên YouTube không phù hợp với trẻ em, chứa những gợi ý dung tục.
Hồi đầu năm 2017, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Vinamilk, Vingroup... đã quyết định tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube vì vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục.
Nội dung xấu sẽ không còn đất sống
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), gần đây cơ quan này thấy tình trạng vi phạm xuất hiện trở lại. Rất nhiều clip quảng cáo vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến trẻ em nằm trong quảng cáo của các hãng sữa như Nestle, Abbott, Vinasoy...
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho rằng, việc bị gắn với những clip xấu độc là điều mà các doanh nghiệp không mong muốn, bởi điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, thương hiệu của họ. Vì vậy, thời gian qua, chính các doanh nghiệp đã đồng loạt ngừng quảng cáo, đồng thời yêu cầu Google phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nội dung khi khai thác quảng cáo.
Theo bà Hương, bên cạnh việc yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam dừng quảng cáo để gây sức ép với Google, nhằm ngăn chặn thông tin độc hại lên mạng, cần phải điều chỉnh đồng bộ bằng các công cụ pháp luật. Không chỉ trong các văn bản hành chính, các văn bản pháp luật chuyên ngành trên các lĩnh vực thông tin truyền thông, khoa học - công nghệ, tài chính, an ninh… mà ngay cả lĩnh vực văn hóa cũng phải có trách nhiệm tăng khả năng răn đe, ngăn ngừa.
“Việc bổ sung quy định và xử lý các mức độ sai phạm không chỉ trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính, Bộ luật Dân sự, mà cần quy định trong Bộ Luật Hình sự”, bà Hương đề nghị.
Còn theo ông Lê Quang Tự Do, không chỉ phải ngăn chặn quảng cáo trong video vi phạm, mà các cơ quan chức năng cần tiếp tục gỡ bỏ các thông tin xấu, độc hại. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng danh sách kênh sạch trên YouTube, hoặc kênh có đăng ký với Bộ, có bộ phận kiểm duyệt, rà soát xử lý khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với báo chí để tuyên tryền, xây dựng quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, như một khế ước xã hội để cùng tham gia, có chế tài dân sự và khuyến khích tổ chức, cá nhân muốn kiếm tiền trên mạng nên đăng ký với cơ quan quản lý.
Còn theo LS. Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật YouMe, để bảo vệ thương hiệu, tránh không xuất hiện trong những nội dung độc hại, cách nhanh nhất mà các doanh nghiệp nên áp dụng là ngừng quảng cáo trên các kênh có nội dung không lành mạnh. Việc tẩy chay, ngừng quảng cáo sẽ gây áp lực lên chính các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, buộc họ phải có biện pháp “làm sạch” kênh quảng cáo của mình.