Đầu tư
Lạng Sơn: “Thỏi nam châm” hút vốn đầu tư của vùng Đông Bắc
Thanh Huyền - 31/07/2021 10:05
Việc ban hành nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ, tỉnh Lạng Sơn kỳ vọng tăng cường thu hút đầu tư, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những nền kinh tế động lực vùng Đông Bắc.
Phát huy tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, Lạng Sơn đã xác định rõ mũi nhọn ưu tiên để thu hút đầu tư

Điểm sáng thu hút đầu tư

Thu hút vốn đầu tư từ 166.000 - 168.000 tỷ đồng là một trong 20 chỉ tiêu mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII đề ra cho giai đoạn 2020 - 2025, nhằm đạt được bước phát triển đột phá.

Với quyết tâm sớm đưa Lạng Sơn trở thành nền kinh tế động lực của vùng Đông Bắc, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính nhà nước; nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ công; thực hiện tốt cải cách hành chính trong việc cấp, điều chỉnh, quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; rút ngắn thời gian đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...

Từ đó, tỉnh tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo động lực, đột phá về thu hút đầu tư.

Với những nỗ lực đó, năm 2020, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 16 dự án, trong đó có 15 dự án có vốn đầu tư trong nước và 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký là 3.729 tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 19 dự án, với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 169 tỷ đồng.

Năm tháng đầu năm 2021, Lạng Sơn đã chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án, tổng vốn đăng ký 924,58 tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 19 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký giảm 614,7 tỷ đồng, chấm dứt hoạt động 2 dự án.

Cũng trong 5 tháng đầu năm, có 210 doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh, đạt 42% kế hoạch (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020), với tổng vốn đăng ký 1.923 tỷ đồng (tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2020). Bên cạnh đó, có 26 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động; 79 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 121 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, 64 doanh nghiệp đã giải thể và 126 doanh nghiệp đang chờ giải thể; 18 hợp tác xã đăng ký thành lập mới, 3 hợp tác xã giải thể.

Toàn tỉnh hiện có 3.389 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 28.869 tỷ đồng; 653 chi nhánh, văn phòng đại diện; 351 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã hoạt động với số vốn đăng ký 921,9 tỷ đồng.

Dù gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của Covid-19, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lạng Sơn trong 6 tháng đầu năm nay tiếp tục đạt kết quả khả quan, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm 2020.

Bứt phá bằng các giải pháp đồng bộ

Lạng Sơn được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế. Tỉnh đã xác định rõ các mũi nhọn ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn tới, vì vậy, việc đánh giá đúng tiềm năng thị trường và năng lực của các đối tác có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong thu hút đầu tư.

Đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư hàng đầu trong và ngoài nước đến Lạng Sơn để tìm hiểu và hiện thực hóa kế hoạch đầu tư, như Sun Group, FLC, TMS, Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (APEC), TNG Holdings…

Theo bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đối tác tiềm năng của tỉnh là các doanh nghiệp lớn trong nước, doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và các nước ASEAN…

Để thu hút dòng vốn đầu tư mạnh hơn, từ đó hoàn thành mục tiêu mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII đề ra, bà Hà cho biết, tỉnh đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư theo tinh thần công khai, minh bạch, thường xuyên cập nhật cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; tiềm năng, cơ hội và đối tác đầu tư;  hướng dẫn thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang xây dựng danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư, trong đó lựa chọn các dự án theo thứ tự ưu tiên để lập báo cáo tiền khả thi, làm cơ sở thực hiện gọi vốn đầu tư; đặc biệt là danh mục các dự án khuyến khích ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về đầu tư - kinh doanh; các chủ trương, chính sách, trình tự, thủ tục đầu tư - kinh doanh; tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư, triển khai dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư…

Bằng các giải pháp đồng bộ trong việc tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tỉnh Lạng Sơn được kỳ vọng sẽ sớm trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư của vùng Đông Bắc.

Tin liên quan
Tin khác