Ngân hàng - Bảo hiểm
"Lặng sóng" M&A ngân hàng yếu kém
Thùy Linh - 13/12/2020 15:31
Ngân hàng ngoại được phép mua lại ngân hàng yếu kém trong nước, nhưng các kế hoạch vẫn chưa được thực hiện, thương vụ được kỳ vọng nhất là sáp nhập PGBank vào HDBank cũng chưa thấy điểm kết thúc.
J.Trust (Nhật Bản) và Tập đoàn Clermont (Singapore) đều muốn tham gia tái cấu trúc CBBank.

Kỳ vọng về làn sóng vốn ngoại vào ngân hàng nội

Làn sóng M&A giữa các ngân hàng nội với nhau vốn trầm lắng trong 5 năm qua được dự báo khó diễn ra trong thời gian sớm, ngoại trừ thương vụ PGBank sáp nhập HDBank được cho sẽ hoàn tất trong thời gian sắp tới.

M&A lĩnh vực ngân hàng không còn ở giai đoạn sôi động cách đây hơn 5 năm, với hàng loạt thương vụ sáp nhập như MHB - BIDV, Mekongbank - MSB, DaiA Bank - HDBank, Habubank - SHB, SouthernBank - Sacombank; thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng SCB - Ficombank - TinNghiaBank... Cùng với đó, một số ngân hàng được tái cơ cấu dưới sự hỗ trợ của Vietcombank, VietinBank, BIDV như CBBank, OceanBank, GPBank. Còn DongA Bank là ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt.

Các thương vụ M&A trên đã diễn ra với sự đồng thuận giữa hai nhóm cổ đông, cũng như được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu các ngân hàng.

Trong diễn biến sôi động đó, khối ngoại cũng rất quan tâm tới quá trình tái cơ cấu các ngân hàng nội, kể cả các nhà băng yếu kém, nhưng chưa có thương vụ mua lại nào được diễn ra.

Cách đây không lâu, ông Han Chang-woo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Maruhan (Nhật Bản) bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong tiến trình tham gia tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là OceanBank.

Một ngân hàng lớn của Nhật Bản khác là J.Trust muốn tham gia mua lại ngân hàng của Việt Nam, cụ thể là CBBank. Ngoài J.Trust, Tập đoàn Clermont (một định chế tài chính của Singapore) cũng muốn tham gia tái cấu trúc CBBank. Tuy nhiên, J.Trust được ưu ái hơn trong việc mua và cơ cấu lại CBBank.

Trong khi đó, GPBank cũng được cho là đang có nhà đầu tư ngoại đàm phán để mua lại.

Mua lại là một cách đi nhanh để tiếp cận thị trường Việt Nam. Hiện Chính phủ không chủ trương cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, song vẫn khuyến khích nhà đầu tư ngoại mua các ngân hàng yếu kém. Đây là lý do mà giới quan sát kỳ vọng sẽ có một thương vụ như vậy trong thời gian tới.

Bên cạnh giải pháp “mua đứt” ngân hàng yếu, một số đối tác ngoại vẫn tiến hành tìm hiểu và đặt vấn đề mua cổ phần của ngân hàng nội, thậm chí ở tỷ lệ cao hơn mức khống chế 30% hiện nay, để đảm bảo hơn quyền của cổ đông lớn, cổ đông chiến lược khi đầu tư.

Một số ngân hàng nội cũng sẵn sàng và đã công bố kế hoạch thu hút vốn ngoại nhằm tăng năng lực tài chính. Đơn cử, SCB muốn bán hơn 50% cổ phần cho đối tác ngoại, Nam A Bank và Ngân hàng Bản Việt còn nguyên room ngoại 30% và kỳ vọng sẽ sớm tìm được đối tác ngoại phù hợp để bán cổ phần...

Các kế hoạch trên càng được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam mới ký kết. Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room chung. Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng TMCP mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.

Vẫn còn phải chờ

Trong khi câu chuyện mua đứt, bán đoạn giữa nhà băng yếu kém nội và nhà đầu tư ngoại chưa có “điểm sáng”, thì thương vụ PGBank - HDBank vốn được kỳ vọng công bố sớm vẫn tiếp tục phải chờ đợi.

Còn nhớ, cách đây hơn 3 năm, thông tin đưa ra từ HDBank cho hay, HDBank, PG Bank và Petrolimex đã thống nhất các nội dung liên quan đến sáp nhập PG Bank vào HDBank khiến thị trường, nhà đầu tư liên tưởng đến câu chuyện 2 nhà băng trên sẽ sớm về một nhà.

Với HDBank, đây không phải là lần đầu nhận sáp nhập ngân hàng khác. Vào năm 2012, ngân hàng này đã nhận sáp nhập DaiA Bank - ngân hàng có nợ xấu lớn, các cổ đông có vấn đề về sở hữu chéo, nay đã được xóa tên trên thị trường. Sự phát triển hiện tại của HDBank cho thấy, thương vụ với DaiA Bank đã khá thành công.

Theo kế hoạch ban đầu, việc sáp nhập PGBank sẽ hoàn tất vào tháng 8/2018 và thực hiện niêm yết cổ phiếu sau hoán đổi vào tháng 9/2018. Tỷ lệ hoán đổi được thống nhất là 1: 0,621, tức 1 cổ phiếu PGBank đổi 0,621 cổ phiếu của HDBank mới. Tuy nhiên, đến nay, thời điểm chính thức sáp nhập vẫn là một dấu hỏi lớn. Tiến độ của thương vụ không diễn ra nhanh chóng như bao người kỳ vọng.

Tháng 10/2018, NHNN chính thức có văn bản chấp thuận nguyên tắc phương án sáp nhập của hai bên. HDBank cho biết, đã cử người tham gia hỗ trợ điều hành tại PGBank và dự kiến cuối năm 2019, sẽ hoàn thành việc sáp nhập. Thế nhưng, thương vụ sáp nhập PGBank - HDBank đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.

Thời gian chờ đợi sáp nhập kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của PGBank. Quy mô tổng tài sản, huy động vốn và cho vay đều tăng trưởng thấp và không đạt kế hoạch đề ra.

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của PGBank đạt gần 34.400 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 5%, lên gần 24.900 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng gần 10%, đạt 27.900 tỷ đồng. Chất lượng cho vay của Ngân hàng cũng được cải thiện khi nợ xấu nội bảng giảm 4,5% so với đầu năm, xuống 715 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay theo đó giảm từ 3,16% xuống 2,87%.

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2020, PGBank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 132 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2019. So với kế hoạch lãi trước thuế 190 tỷ đồng cả năm 2020 (gấp 2,1 lần thực hiện năm 2019), Ngân hàng đã thực hiện được 69% chỉ tiêu.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, ông Bùi Ngọc Bảo, nguyên Chủ tịch HĐQT PG Bank chia sẻ với cổ đông rằng: “Thời gian và tiến trình sáp nhập không thuộc sự kiểm soát của chúng ta, vì những gì cần làm, chúng ta đã làm hết rồi!”.

Trả lời thắc mắc của nhiều cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên HDBank diễn ra giữa năm nay về tiến độ sáp nhập giữa HDBank và PGBank, ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, hồ sơ thương vụ đã được hoàn thiện và nộp cho NHNN. Về mặt kinh doanh, 2 ngân hàng đang có sự hỗ trợ lẫn nhau, cũng như điều tiết về nhân sự cho hoạt động này.

Giải thích thêm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho hay, tiến độ sáp nhập 2 ngân hàng chậm so với dự kiến theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Trước đó, HDBank có kế hoạch chia cổ tức sau sáp nhập, nhưng do lộ trình sáp nhập với PG Bank chưa thể hoàn tất, nên HĐQT HDBank đã quyết định sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ năm nay.

Theo đó, Đại hội đồng cổ đông HDBank đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần với tỷ lệ cổ tức lên tới 65%, bao gồm 50% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ phiếu thưởng.

Thị trường vẫn đang kỳ vọng thương vụ trên sớm hoàn tất, tận dụng cơ hội M&A để tăng cường hệ sinh thái khách hàng của HDBank. Quả thực, dựa trên mối quan hệ có sẵn giữa Petrolimex và PGBank, HDBank có thể phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, hướng tới phân khúc khách hàng, thị trường chuyên biệt trên cơ sở phát triển lợi thế của HDBank và Petrolimex về mạng lưới phân phối.

Nhưng cái được hơn đó là trong xu thế hiện nay, khi các ngân hàng phải tăng cường năng lực tài chính để nâng cao sức cạnh tranh, HDBank cần phải tăng vốn và M&A là một phương án không tồi. Năm 2020, HDBank dự kiến tăng thêm 6.278 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng tổng vốn điều lệ lên hơn 16.088 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu. Nếu thương vụ M&A với PGBank thành công, vốn điều lệ của HDBank sẽ còn tăng thêm 3.000 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác