Sức khỏe doanh nghiệp
Lãnh đạo CTCP VNG bắt đầu muốn bán bớt cổ phiếu sau chuỗi tăng nóng
Duy Bắc - 23/02/2023 07:47
Lãnh đạo CTCP VNG (mã VNZ - UPCoM) đăng ký bán ra để giảm sở hữu sau khi cổ phiếu liên tục tăng cao và mới đảo chiều trong các phiên gần đây.

Cụ thể, bà Trương Thị Thanh, thành viên Ban kiểm soát đăng ký bán 2.000 cổ phiếu VNZ để giảm sở hữu từ 36.283 cổ phiếu (0,13% vốn điều lệ) về còn 34.283 cổ phiếu, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 23/2 đến ngày 23/3.

Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 22/2 là 950.000 đồng/cổ phiếu, ước tính giá trị 2.000 cổ phiếu VNZ là 1,9 tỷ đồng, một giá trị tương đối lớn. Trong khi đó, cũng với 2.000 cổ phiếu này nếu tính giá chào sàn chỉ là 480 triệu đồng.

Được biết, sau khi niêm yết ngày 5/1/2023 với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VNZ không có thanh khoản. Tuy nhiên, từ ngày 31/1 đến ngày 15/2, cổ phiếu VNZ tăng 466% từ 240.000 đồng lên 1.358.700 đồng/cổ phiếu và sau đó giảm trở lại. Tính tới ngày 22/2 với giá 950.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VNZ đang thấp hơn 30,1% so với đỉnh ngày 15/2 và đồng thời vẫn cao hơn 295,8% so với đáy ngày 31/1.

Vừa chào sàn UPCoM, VNG ghi nhận lỗ 858,35 tỷ đồng trong năm 2022

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2022, CTCP VNG ghi nhận doanh thu đạt 2.036,67 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ ghi nhận lỗ 435,46 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 114,75 tỷ đồng, tức giảm thêm 320,71 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 19% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 146,76 tỷ đồng lên 917,47 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 51,8%, tương ứng giảm 29,8 tỷ đồng về 27,78 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 511,7%, tương ứng tăng thêm 42,06 tỷ đồng lên 50,28 tỷ đồng; lãi/lỗ công ty liên doanh, liên kết ghi nhận lỗ 39,88 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 10,8 tỷ đồng, giảm 50,68 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quý IV, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 10,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 111,75 tỷ đồng lên 1.147,82 tỷ đồng; hoạt động khác ghi nhận lỗ 154,1 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 7,51 tỷ đồng, tức giảm 161,61 tỷ đồng.

Trong quý IV mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng Công ty vẫn ghi nhận lỗ, chủ yếu do lợi nhuận công ty liên doanh, liên kết và lợi nhuận khác đều ghi nhận lỗ. Ngoài ra, hụt doanh thu tài chính, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Luỹ kế trong năm 2022, CTCP VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800,57 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 858,35 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 414,06 tỷ đồng, tức giảm 1.272,41 tỷ đồng.

Với việc ghi nhận lỗ thêm 858,35 tỷ đồng trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối chỉ còn ghi nhận 5.311,7 tỷ đồng so với đầu năm ghi nhận 6.648,3 tỷ đồng.

Ông Võ Sỹ Nhân thay ông Lê Hồng Minh làm Chủ tịch CTCP VNG từ đầu năm 2023

CTCP VNG cho biết đã bổ nhiệm ông Võ Sỹ Nhân vào vị trí Chủ tịch HĐQT, thay cho ông Lê Hồng Minh, hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Theo tìm hiểu, ông Võ Sỹ Nhân hiện là Giám đốc điều hành Empire City, đồng thời sáng lập quỹ GAW NP Capital, đồng thời là Phó Chủ tịch Công ty Tiến Phước, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, y tế, cơ sở hạ tầng.

Trong lĩnh vực bất động sản, Tiến Phước phát triển các dự án như Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn với diện tích 19,8 ha, Khu đô thị Palm City với quy mô 14,6 ha, Khu đô thị Empire City với quy mô 14,6 ha …

Quay trở lại với VNG, Công ty cũng thông qua việc chào bán toàn bộ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ với giá 177.881 đồng/cổ phiếu,  đơn vị nhận chuyển nhượng là CTCP Công nghệ BigV. Trước giao dịch, CTCP Công nghệ BigV đang sở hữu 5,7% vốn tại CTCP VNG, nếu mua thành công sẽ nâng sở hữu lên 30,5% vốn điều lệ tại CTCP VNG.

Được biết, sau khi niêm yết sàn UPCoM ngày 5/1/2023 với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu, tính tới sáng ngày 7/2/2023, cổ phiếu VNZ đang giao dịch vùng 587.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều giá bán cổ phiếu quỹ.

Như vậy, nhiều khả năng, CTCP Công nghệ BigV sẽ được mua rẻ hơn nhiều so với giá thị trường đang giao dịch của cổ phiếu VNZ trên sàn UPCoM.

Theo tìm hiểu, CTCP Công nghệ BigV có địa chỉ tại toà nhà Golden King, số 15 Nguyễn Lương Bằng, Phường Tân Phú, Quận 7, TP. HCM. Trong đó, người đại diện pháp luật là ông Ngô Vi Hải Long và hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng.

Số tiền huy động dự kiến từ chào bán cổ phiếu quỹ là 1,26 nghìn tỷ đồng, Công ty cổ phần VNG dự kiến sử dụng mua chi phí bản quyền phần mềm trò chơi (hơn 764 tỷ đồng) và marketing (500 tỷ đồng), với mức độ ưu tiên giảm dần. Trong trường hợp cổ phiếu chào bán không được mua hết dẫn đến số tiền thu về không như dự kiến, Công ty sẽ sử dụng tiền theo thứ tự ưu tiên và cân đối lại nguồn vốn, sử dụng linh hoạt các nguồn vốn khác hoặc vay ngân hàng để bù đắp.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/2, cổ phiếu VNZ tăng 23.500 đồng lên 950.000 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác