Doanh nghiệp
Lãnh đạo Đức Long Gia Lai, Nafoods và nhiều doanh nghiệp tiếp tục gom thêm cổ phần
An An - 10/09/2019 13:58
Nhiều chủ doanh nghiệp và cả chính các doanh nghiệp đang bỏ tiền mua cổ phiếu, đa phần các trường hợp nhằm hỗ trợ giá khi xu hướng giảm kéo dài thời gian qua. Mới đây nhất là trường hợp của Đức Long Gia Lai và Nafoods.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio
.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Nafoods Group (mã NAF, sàn HoSE) mới đây cho biết sẽ mua 10,55 triệu cổ phiếu NAF nhằm tăng sở hữu lên mức chi phối lên 51,7% từ mức 27,62% hiện tại. Giao dịch thực hiện trên sàn thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 12/9 đến 11/10.

Ngay lập tức sau thông tin này, cổ phiếu NAF đã tăng kịch trần lên 21.550 đồng với khối lượng giao dịch tăng đột biến trong sáng nay. Gần 300.000 cổ phiếu được chuyển nhượng chỉ trong nửa giao dịch, trong khi khối lượng giao dịch cao nhất từ đầu năm cũng chỉ đạt 313.000 cổ phiếu. Giá cổ phiếu NAF đã tăng hơn 2,5 lần trong vòng một năm qua.

Cùng thời gian nay, Nafoods đã được cổ đông phê duyệt phương án nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 100%. Khoảng trống room trước khi nới của doanh nghiệp này thực tế vẫn còn khá nhiều. Đầu tháng 9, Nafoods đã hoàn tất chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho hai nhà đầu tư nước ngoài với giá bán 15.000 đồng/cp. IFC, công ty tài chính thuộc WorldBank sau đợt phát hành đang sở hữu 21,76% vốn doanh nghiệp này. Quỹ đầu tư Endurance Capital Vietnam cũng đã nâng sở hữu lêm 5,42%.

Đây là trường hợp khá hiếm hoi vì phần lớn các chủ doanh nghiệp đăng ký mua thời gian gần đây nhằm đỡ giá khi cổ phiếu đang giảm sâu.

Như trường hợp của DLG, sau nhiều thông tin tiêu cực từ báo cáo tài chính soát xét và biến động nhân sự ban điều hành, Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đức Long Gia Lai (mã DLG, sàn HoSE) vừa thông báo đăng ký mua 7,5 triệu cổ phiếu DLG từ 13/9 đến 12/10. Chủ tịch DLG hiện đang nắm giữ 66 triệu cổ phiếu DLG, tương đương 22,39% vốn. Nếu thực hiện thành công, tỷ lệ sở hữu sẽ được nâng lên 24,8%. Ước tính theo giá đóng cửa ngày 9/9 (1.570 đồng/cp), ông Bùi Pháp cần bỏ ra 11,8 tỷ đồng.

Tại báo cáo soát xét, kiểm toán viên cho rằng công ty có thể không có khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả, phụ thuộc vào hoạt động có lãi trong tương lai, kết quả thỏa thuận với các chủ nợ. Hầu hết các khoản nợ vay đã quá hạn thanh toán và các ngân hàng ngừng giải ngân với công ty. Tuy nhiên, phía DLG giải trình cho biết đang làm việc với các chủ nợ, đồng thời, khẳng định dòng tiền hoạt động kinh doanh vẫn dương và đang xây dựng chiến lược kinh doanh mới. Ông Nguyễn Trung Kiên sau một năm rưỡi điều hành hiện không còn giữ chức vụ tổng giám đốc, thay thế vị trí này là ông Trần Cao Châu, Kế toán trưởng.

Một loạt cổ phiếu giảm giá sâu được chủ doanh nghiệp đăng ký mua vào thời gian qua. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, vừa hoàn tất mua xong 10 triệu cổ phiếu trong tháng vừa qua, nâng tỷ lệ sở hữu từ 6,37% lên 8,47%. Tuy vậy, giá cổ phiếu HQC không có nhiều cải thiện. Giá đóng cửa sáng 10/9 là 1.320 đồng/cp, trong khi giá tại ngày bắt đầu mua là 1.370 đồng/cp.

Các cổ đông nội bộ của CTCP Địa ốc Hòa Bình cũng cho biết đã mua xong cổ phiếu như đăng ký trước đó. Quyết định mua vào cổ phiếu của các cổ đông được đưa ra khi cổ phiếu HBC về vùng đáy 3 năm. Dù giá cổ phiếu có thời điểm nhích nhẹ nhưng phần lớn thời gian đều giảm, hiện giao dịch tại 13.050 đồng/cp, giảm 5,43% so với hồi cuối tháng 7.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ để đỡ giá cổ phiếu. Như trường hợp của VHC, giá cổ phiếu đã giảm 28% từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 11/2018. Vĩnh Hoàn đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu VHC, thời gian cụ thể chưa công bố. VPBank cũng đã chốt số cổ phiếu quỹ mua vào 50 triệu cổ phiếu, tương đương số tiền bỏ ra gần nghìn tỷ đồng.  Còn theo kế hoạch công bố của HDBank, số cổ phiếu ngân hàng mua vào tối đa 49 triệu cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác