Doanh nghiệp
Lãnh đạo Tập đoàn Walmart sang Việt Nam tìm nhà cung ứng hàng hóa
Thế Hải - 24/07/2023 16:16
Phó chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung hàng dệt may, hàng tiêu dùng nhanh thuộc Tập đoàn Walmart, ông Avineesh Gupta sẽ sang Việt Nam tham dự sự kiện Kết nối Chuỗi cung ứng quốc tế năm 2023.
Walmart tìm kiếm 6 ngành hàng tại sự kiện Kết nối các nhà cung ứng quốc tế 2023.

Ông Avineesh Gupta, Phó chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung hàng dệt may và hàng tiêu dùng nhanh dẫn đầu đoàn của Walmart tham dự chuỗi sự kiện Kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023 do Bộ Công thương tổ chức.

Cụ thể, theo Ban tổ chức, trong quá trình làm việc với Walmart để chuẩn bị cho chuỗi sự kiện Kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Vietnam International Sourcing 2023, diễn ra từ ngày 13-15/9 tới đây tại TP. HCM, "ông lớn" trong ngành bán lẻ Mỹ nói rằng, sẽ tập trung thu mua sản phẩm thuộc 6 ngành hàng chính tại Việt Nam.

Bao gồm: quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng, đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Lãnh đạo Tập đoàn đồng thời cũng đưa ra hàng loạt lời khuyên cho doanh nghiệp trong nước có mong muốn tham gia vào chuỗi giá trị của Walmart .

Để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi, đó là: xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistic, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm.

Walmart cũng lưu ý những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam, gồm:năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

Bà Sarah Thorn, Giám đốc cấp cao, phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu của Tập đoàn bán lẻ Walmart trong buổi làm việc với người đứng đầu ngành Công thương hồi tháng 5, chia sẻ: "Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart với các sản phẩm chủ lực gồm các mặt hàng dệt may, đồ gia dụng, điện tử và thực phẩm chế biến sẵn".

Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, Walmart là một trong rất nhiều như tập đoàn lớn sẽ tham gia Viet Nam International Sourcing 2023, bên cạnh nhiều “gã khổng lồ” như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)…

Sự kiện cũng có sự góp mặt của khoảng 150 đoàn thu mua quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tới Việt Nam để tìm kiếm đối tác mua hàng trong nhiều lĩnh vực như: Thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất, công nghiệp hỗ trợ...

Chuỗi sự kiện ghi nhận sự vào cuộc chưa từng có của hơn 60 Thương vụ/chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, thông qua các hoạt động quảng bá sự kiện tại nước sở tại để tạo sức lan tỏa tới các nhà nhập khẩu, kênh phân phối, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.

Vietnam International Sourcing 2023 diễn ra trong bối cảnh trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã vượt 371 tỷ USD vào cuối năm ngoái và nửa đầu năm nay dù chịu tác động từ suy giảm kinh tế thế giới, nhưng ngành sản xuất trong nước vẫn cung ứng lượng hàng hóa trị giá hơn 164 tỷ USD cho các thị trường toàn cầu.

Trong đó, Việt Nam đã cung ứng lượng hàng dệt may trị giá 15,75 tỷ USD; Điện thoại và linh kiện 24,3 tỷ USD; Máy móc-thiết bị phụ tùng 19,7 tỷ USD, giày dép các loại 10 tỷ USD, túi xách, vali 1,84 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ hơn 6 tỷ USD, gần 4,2 tỷ USD hàng thủy sản...


Tin liên quan
Tin khác