Sau khi tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và trả lời của các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trên cơ sở các văn bản hiện hành của nhà nước và của UBND tỉnh đã trả lời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Xuyên đọc báo cáo trả lời của UBND tỉnh về các đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp. Trong đó về lĩnh vực đất đai có 12 kiến nghị, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có 12 kiến nghị, lĩnh vực vay vốn – lãi suất ngân hàng có 7 kiến nghị, cơ chế chính sách có 7 kiến nghị, lĩnh vực điện có 6 kiến nghị, thuế tài chính có 4 kiến nghị, thủ tục đầu tư có 1 kiến nghị cùng 28 kiến nghị trên nhiều lĩnh vực khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cam kết giải quyết đến tận cùng những vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp |
Không dừng ở đó, với tinh thần “không né tránh, nói thẳng, nói thật”, tại Hội nghị đã có gần 30 ý kiến chấp vấn, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp với tỉnh trên nhiều lĩnh vực như giao thông, đất đai, môi trường, cơ chế chính sách…
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh sản xuất khó khăn, nhưng GRDP của tỉnh tăng bình quân 7,66% (cao nhất trong 3 năm trở lại đây). Điều này cho thấy sự đóng góp không nhỏ của khối doanh nghiệp”.
Về các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp tại hội nghị, ông Diên yêu cầu các cơ quan hữu quan theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo và trực tiếp giải quyết đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng luật và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời tiếp tục chủ động nghiên cứu những khó khăn của các doanh nghiệp, nắm chắc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tham mưu cho tỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương và thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.
Ông Diên yêu cầu: Sau hội nghị, các Sở ngành của tỉnh tiếp tục tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp trên từng lĩnh vực cụ thể báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết đầy đủ, kịp thời theo quy định về thời gian của từng lĩnh vực, ai, khâu nào chậm trễ, ách tắc phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, nhất là xuất khẩu, tiếp cận với chính sách của Nhà nước và của địa phương; tiếp tục là đầu mối tư vấn cho các doanh nghiệp liên kết với nhau tạo thành chuỗi sản xuất bền vững.
Đối với các doanh nghiệp, ông Diên cũng yêu cầu cần chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về thuế, tài nguyên môi trường, phòng chống cháy nổ, chế độ, chính sách với người lao động.... Đặc biệt, không tiếp tay bao che, làm hư cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết công việc; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp; chú trọng tiếp cận chủ trương chính sách mới qua nhiều kênh, đặt lợi ích xã hội lên trên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với tinh thần thắng thắn xây dựng và chia sẻ, cùng tháo gỡ khó khăn giải quyết cho doanh nghiệp, tỉnh cam kết “thủ trưởng ngành, địa phương phải xử lý nghiêm các cán bộ, nhân viên gây khó khăn cho doanh nghiệp, nếu không xử lý thì thủ trưởng ngành , địa phương sẽ bị xử lý”, đồng thời đến hết ngày 30/6/2016, Thái Bình sẽ áp dụng chữ ký số với lãnh đạo các ngành để thụ lý hồ sơ khi có công việc vắng mặt, nhằm rút ngắn thời gian thủ tục cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, ông Diên nhấn mạnh.