TP.HCM đặt ra tầm nhìn đến 2045 trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á. Ảnh: Đ.T |
Xây dựng bản quy hoạch tốt có vai trò đặc biệt quan trọng
“Việc xây dựng được bản quy hoạch tốt có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh tại phiên họp Hội đồng Thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra đầu tuần này.
Theo nội dung Dự thảo tóm tắt các nhiệm vụ lập Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố xác định xây dựng quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước gắn với các quy hoạch cao hơn; xuất phát từ vị trí, vai trò của Thành phố là trung tâm lớn về văn hóa, kinh tế, giáo dục đào tạo, đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, xem khoa học - công nghệ là lợi thế phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số toàn cầu; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; đảm bảo an ninh - quốc phòng, đảm bảo tính khả thi và đảm bảo sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, người dân; đảm bảo hài hòa lợi ích của quốc gia, vùng lãnh thổ.
Mục tiêu lập quy hoạch là cụ thể hóa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và thực hiện mục tiêu phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố; cung cấp, xây dựng hệ thống dữ liệu quy hoạch thống nhất trong hệ thống quy hoạch quốc gia; căn cứ để cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư kinh doanh, sinh sống, làm việc, kiểm tra, giám sát quy hoạch của Thành phố. Nguyên tắc xây dựng là tuân thủ Luật Quy hoạch, đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch của Thành phố với các quy hoạch cao hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, TP.HCM là thành phố lớn, tốc độ phát triển nhanh và có nhiều đóng góp cho kinh tế đất nước, nên việc xây dựng các nhiệm vụ quy hoạch trong thời gian tới là vấn đề rất quan trọng để phát huy tiềm lực, xứng tầm vươn ra quốc tế, sánh vai với nhiều thành phố trong khu vực và thế giới.
Theo đó, bên cạnh phân tích đặc thù của địa phương mình để chọn mục tiêu phát triển phù hợp, Thành phố có thể nghiên cứu, so sánh một số mô hình quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, qua đó rút ra lựa chọn của mình để có bản quy hoạch thể hiện được các định hướng, mong muốn trong phát triển, đặc biệt là các trụ cột kinh tế; xây dựng Thành phố hiện đại, tiên tiến, dựa trên tiến bộ của khoa học, công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng lớn; hướng tới định hướng đổi mới sáng tạo, không chỉ bắt kịp tiến trình số hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn phải là thành phố đáng sống.
Phải bứt phá để duy trị vị trí tiên phong
Tham gia thảo luận tại phiên họp, nhìn chung các ý cơ bản thống nhất với nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch TP.HCM, đồng thời đề nghị nghiên cứu, phân tích các điều kiện đặc thù của Thành phố để bổ sung vào quan điểm và mục tiêu lập quy hoạch cho phù hợp, phản ánh rõ tầm nhìn chiến lược mang tính đặc thù của Thành phố; đánh giá lợi thế cạnh tranh, thực trạng nguồn lực của Thành phố; dự báo xu thế phát triển, triển vọng và nhu cầu phát triển tổng quát của Thành phố trong thời kỳ quy hoạch...
- TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright
Theo TS. Cao Viết Sinh, chuyên gia kinh tế, muốn đơn vị tư vấn đưa ra được những tư vấn mang tính khác biệt, thì “đặt hàng” cũng phải đặc biệt.
Ông phân tích, 10 năm qua, xu hướng cho cho thấy, TP.HCM đang mất đà tăng trưởng, “quy mô rất lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng thấp dần”.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, mặc dù “Trông ra thì chẳng bằng ai/Trông vào trong nước chẳng ai bằng mình”, nhưng TP.HCM đang tụt lại phía sau khá xa so với các đô thị trong khu vực châu Á trên nhiều phương diện.
“Sự bứt phá của nhiều địa phương trong cả nước đang phà hơi nóng vào gáy TP.HCM. Thành phố buộc phát bứt phá hơn nữa để duy trì vị trí đứng đầu và tiên phong về kinh tế của cả nước”, TS. Vũ Thành Tự Anh nói.
Đánh giá việc TP.HCM đặt ra tầm nhìn đến 2045 trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á là mục tiêu đáng mong ước và giàu kỳ vọng, song các chuyên gia cũng lưu ý, Thành phố cần phân tích rõ những điều kiện để thực hiện tầm nhìn này.
“TP HCM đặt ra triết lý phát triển xuyên suốt là ‘thu hẹp khoảng cách’. Tại sao không đặt triết lý ‘vượt lên’, tức là ngang tầm và sẽ vượt lên vào một giai đoạn nào đó”, TS. Cao Viết Sinh gợi mở.
Nêu một số ưu tiên quan trọng để đưa TP.HCM phát triển bứt phá, TS. Vũ Thành Tự Anh phân tích, mô hình chất lượng quản trị và quản lý nhà nước giai đoạn vừa qua đã không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội. Vì vậy, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong quy hoạch. Bên cạnh đó, “cải thiện môi trường cũng cần được xem là ưu tiên chiến lược của TP.HCM”, TS. Vũ Thành Tự Anh lưu ý.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các ý kiến của thành viên Hội đồng Thẩm định là cơ sở quan trọng giúp TP.HCM hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại.