Thay đổi hồ sơ sau khi mở thầu
Báo Đầu tư nhận được đơn thư phản ánh của bà Đặng Thị Thanh Thủy, công tác tại Phòng Kế toán (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận) với nội dung phản ánh những dấu hiệu sai phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu Gói thầu mua sắm giường cấp cứu và giường điện ICU cho Bệnh viện (Bệnh viện được giao làm chủ đầu tư).
Nhiều ngờ vực về việc xảy ra tiêu cực bởi có dấu hiệu thông thầu trong quá trình làm rõ hồ sơ mời thầu được chính người trong cuộc trưng ra cho cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều năm qua, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đã liên tiếp gửi đơn tố cáo sai phạm trong lãnh đạo và quản lý Bệnh viện. Ảnh: N.T |
Cụ thể, tại Gói thầu số 4 mua sắm máy đốt điện, một số tài liệu quan trọng trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu là Công ty cổ phần Trang thiết bị y tế Nguyên Quốc (nhà thầu Nguyên Quốc) đã được đánh tráo sau thời điểm mở thầu. Theo đó, 2 tài liệu bao gồm Giấy chứng nhận tham gia chuyên đề bồi dưỡng “đại học chuyên ngành Điện tử y sinh học” mang tên Nguyễn Đức Hưng (do Đại học Bách khoa Hà Nội cấp) và Giấy phép bán hàng của nhà phân phối do Chi nhánh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nam Đô cho phép nhà thầu Nguyên Quốc sử dụng sản phẩm do Hãng ALSA (Italy) sản xuất được rút ra và thay bằng Giấy phép bán hàng của nhà phân phối do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nam Đô và Bằng tốt nghiệp đại học mang tên Nguyễn Đức Hưng. Xét trên phương diện hồ sơ, với thay đổi này, năng lực của nhà thầu Nguyên Quốc được “làm đẹp” lên nhiều.
Cần lưu ý rằng, với các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, giấy phép bán hàng của nhà sản xuất và nhân sự chủ chốt là 2 điều kiện tối quan trọng trong việc chứng minh năng lực nhà thầu. Do đó, việc đổi các tài liệu trên đây có tính chất nhạy cảm bởi sẽ làm thay đổi có tính chất chính yếu giá trị hồ sơ dự thầu, điều mà Luật Đấu thầu không cho phép.
Chuyện thay đổi hồ sơ dự thầu còn xảy ra tại gói thầu mua sắm giường cấp cứu và giường điện ICU. Theo đó, trong quá trình chấm thầu, Tổ chuyên gia đấu thầu đề nghị nhà thầu Nguyên Quốc bổ sung biên bản nghiệm thu, hoặc thanh lý của 2 hợp đồng tương tự để chứng minh năng lực. Ngay sau đó, nhà thầu Nguyên Quốc cung cấp các biên bản liên quan đến hợp đồng mà nhà thầu này đã bán hàng.
Tại hợp đồng tương tự mà nhà thầu Nguyên Quốc ký với cửa hàng Đức Nhân với mã số thuế 8066977954, nhưng Biên bản thanh lý hợp đồng số TL04.TH/10-13, thì cửa hàng Đức Nhân lại có mã số thuế 6066977954! Điều lạ hơn, biên bản này không có chữ ký của đại diện cửa hàng Đức Nhân. Bất thường trên đã bị tổ thẩm định “tuýt còi”.
Ngay sau đó, chủ đầu tư lại yêu cầu nhà thầu Nguyên Quốc bổ sung. Bất thường liên tiếp xảy ra khi nhà thầu Nguyên Quốc bổ sung bằng biên bản thanh lý khác với mã số thuế trùng khớp với mã số thuế ghi trong hợp đồng tương tự và với chữ ký của chủ cửa hàng Đức Nhân, ông Trần Văn Toàn. Các bất thường đó khiến bà Thủy đặt nghi vấn các giấy tờ này bị giả mạo, và nhà thầu có hành vi gian dối trong đấu thấu.
Ngoài ra, trong hợp đồng tương tự mà nhà thầu Nguyên Quốc ký với Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) không có biên bản nghiệm thu, hoặc thanh lý hợp đồng. Sau khi được chủ đầu tư “bật đèn xanh”, Nguyên Quốc đã cung cấp biên bản nghiệm thu ban hành ngày 6/6/2012 do đại diện Liên doanh là Giám đốc Đỗ Minh Tiến và Nguyễn Long Đỉnh cùng ký.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Đặng Thị Thanh Thủy (người tố cáo) cho biết, bà không đồng tình với nhiều nội dung trong Kết luận số 792/KL-SYT của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận. Bà Thủy cho biết thêm sau khi tố cáo, cuộc sống và công việc gặp nhiều xáo trộn. Bà bị các tài khoản lạ trên mạng xã hội facebook nhắn tin đe dọa rạch mặt, bắt cóc con…, trong công việc chuyên môn hàng ngày, bà Thủy cũng bị o ép.
Chỉ trong có 2 năm, bà Thủy “được” luân chuyển công tác tới 5 lần qua các vị trí công việc khác nhau với lý do là “luân chuyển để biết công việc” và dù sai sót dù nhỏ nhất bà cũng bị kiểm điểm, hạ thi đua.
“Đây là điều chưa từng có tiền lệ, bởi một pháp nhân cùng lúc có 2 giám đốc”, bà Thủy nói và cho biết thêm, dù đã có biên bản nghiệm thu nói trên, nhưng ngày 19/5/2014, nhà thầu Nguyên Quốc “bồi thêm” văn bản thanh lý hợp đồng số 29/12-YTE-NGUYENQUOC. Bất hợp lý là, văn bản này của Trung tâm Y tế LIMO và do ông Nguyễn Long Đỉnh ký xác nhận, song ông Đỉnh không có giấy ủy quyền của Vietsovpetro.
Điều hết sức phi lý là, chỉ trong ngày 4/6/2014, Tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu (Bệnh viên Đa khoa tỉnh Bình Thuận) ban hành 2 Báo cáo thẩm định kết quả đấu thầu Gói thầu mua sắm giường cấp cứu và giường điện ICU có cùng một số hiệu văn bản là số 29/TĐKQLCNT-BVBT và cùng do bà Ngô Lương Lam Kiều ký. Tuy nhiên, trong 2 báo cáo này, Tổ thẩm định có những nhận xét, kiến nghị hoàn toàn trái ngược.
Cụ thể, một bản nhận xét: “Qua xem hồ sơ dự thầu của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Nguyên Quốc, Tổ thẩm định nhận thấy, nhà thầu này chưa đáp ứng yêu cầu về mặt năng lực sản xuất và kinh doanh”. Tuy nhiên, trong văn bản còn lại, Tổ thẩm định đề nghị nhà thầu Nguyên Quốc trúng thầu.
Bà Thủy lý giải nguyên do có sự “trái khoáy” này là do có bút phê của lãnh đạo Bệnh viện can thiệp vào quá trình thẩm định của Tổ thẩm định đấu thầu.
Bỏ ngỏ nghi vấn thông thầu
Giải trình với Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, bà Thủy phản ánh về việc bà được chỉ đạo “rút ruột và đánh tráo” tài liệu hồ sơ dự thầu tại Gói thầu mua sắm máy đốt điện. Cụ thể, ngày 28/5/2014, bà Nguyễn Thị Linh, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán cầm một quyển gốc và 2 quyển bản sao hồ sơ dự thầu của nhà thầu Nguyên Quốc và 2 tờ giấy bao gồm: Giấy phép bán hàng của nhà phân phối do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nam Đô cấp và bằng tốt nghiệp đại học mang tên Nguyễn Đức Hưng đưa cho bà Thủy. Bà Linh yêu cầu bà Thủy tháo giấy chứng nhận mang tên Nguyễn Đức Hưng (trang 36) và giấy phép bán hàng của nhà phân phối do Chi nhánh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nam Đô cấp (trang 147) ra và thay vào bằng các tài liệu mới.
Lo ngại làm sai quy định, nên bà Thủy đã trao đổi cặn kẽ với bà Linh. Tuy nhiên, theo lời bà Thủy cho biết thì bà Linh khẳng định, “những thay đổi trên đã được ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận chỉ đạo”. Đồng thời, thấy bên phải hồ sơ dự thầu (bản gốc) có chữ ký của ông Lê Văn Thuận, Phó giám đốc Bệnh viện, nên bà Thủy tin tưởng là chủ trương từ lãnh đạo Bệnh viện và thực hiện việc tráo đổi tài liệu. Phản bác lại những tố cáo của bà Thủy, bà Linh giải trình với Sở Y tế: “Tôi không cho người đem ra ngoài thay đổi nội dung của hồ sơ dự thầu sau khi tổ chức mở thầu”. Tuy nhiên, ông Thuận lại khẳng định, bà Linh có mượn hồ sơ dự thầu đem về Phòng Tài chính – Kế toán và ông không rõ việc bà Linh đem hồ sơ ra ngoài để thay đổi nội dung.
Được biết, việc đấu thầu các gói thầu đề cập ở trên diễn ra vào giai đoạn chuyển giao hiệu lực giữa Luật Đấu thầu số 61/2009/QH11, Nghị định 85/2009/NĐ-CP và Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số số 63/2014/NĐ-CP. Dù vậy, tinh thần của các văn bản luật về nội dung làm rõ hồ sơ dự thầu đều quy định: “Sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu của các nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực tài chính và kinh nghiệm… Việc làm rõ hồ sơ dự thầu chỉ được thực hiện giữa bên mời thầu và nhà thầu có hồ sơ dự thầu cần phải làm rõ và phải đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu”.
Vậy câu hỏi đặt ra là, việc thay đổi hồ sơ dự thầu sau khi mở thầu gói thầu do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư có đảm bảo đúng quy định của pháp luật đấu thầu? Theo tư liệu phóng viên Báo Đầu tư có được thì tới nay, vẫn chưa có một lý giải thấu tình đạt lý.
Sau khi Sở Y tế tỉnh Bình Thuận vào cuộc xác minh những nội dung bà Thủy tố cáo sự khuất tất trong đấu thầu và đã ban hành Kết luận số 792/KL-SYT ngày 6/4/2015. Tại văn bản này, Sở Y tế kết luận cũng rất khó hiểu.
Một là, “nội dung tố cáo bà Linh có hành vi thay đổi hồ sơ dự thầu sau khi mở thầu là tố cáo sai. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng hồ sơ dự thầu không chặt chẽ, không tuân thủ đúng quy định…”.
Hai là, việc ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận có bút phê vào biên bản họp xét thầu của tổ chuyên gia đấu thầu là có thực. Tuy nhiên, nội dung bút phê là hợp pháp theo Luật Đấu thầu.
Ba là, nội dung tố cáo đối với nội dung hợp đồng tương tự, biên bản thanh lý hợp đồng của nhà thầu Nguyên Quốc với Vietsovpetro đúng về hiện tượng, biên bản nghiệm thu không đảm báo tính pháp lý, song Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận không đưa các tài liệu này vào xem xét, đánh giá hồ sơ dự thầu…
Từ các kết luận trên, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đề nghị Giám đốc Bệnh viện phê bình các cá nhân đã không tuân thủ quy định về sử dụng tài liệu mật trong việc quản lý, sử dụng hồ sơ dự thầu.
Song bất chấp những nghi vấn trong quá trình chấm thầu, việc lựa chọn nhà thầu các gói thầu vẫn được tiến hành. Nhà thầu Nguyên Quốc đã trúng thầu và thực hiện các hợp đồng cung cấp thiết bị. Qua phản ánh những khuất tất trong vụ việc nếu được xác định, thì những lỗi rất căn bản, nghiêm trọng trong đấu thầu như thay đổ hồ sơ dự thầu có tính chất trọng yếu, giả mạo giấy tờ… và các chủ thể liên quan có thể bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu có thời hạn.
Điều lạ là, một vụ việc lùm xùm kéo dài tạo nên làn sóng dư luận trái chiều, song vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về đấu thầu tại địa phương là Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận xem ra rất mờ nhạt. Thêm nữa, Luật Đấu thầu quy định thẩm quyền chế tài các hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, mà ở đây là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.
Như chúng tôi đã nêu nghi vấn, việc thay đổi hồ sơ dự thầu sau khi mở thầu có tuân thủ quy định của pháp luật đấu thầu hay không? Nội dung kết luận của Sở Y tế Bình Thuận đã kiến giải thấu đáo chưa? Báo Đầu tư sẽ gửi tới độc giả phân tích sâu hơn trong các số báo tới.