Chớp cơ hội giữa dòng tiền tháo chạy
Tuần qua, trái phiếu của Vinhomes trong đợt phát hành giữa tháng 9/2021 đã được trái chủ rao bán trên thị trường thứ cấp với mức lợi suất vượt 20%. Trong khi mức lãi suất coupon mà tổ chức phát hành trái phiếu chi trả cố định (8,8%/năm), trái chủ đã chấp nhận bán ra ở giá chiết khấu cao, kéo lợi suất tăng vọt. Từ nhiều tuần nay, hiện tượng này đã xảy ra trên thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp giữa các nhà đầu tư.
Lực cung tăng và chấp nhận bán rẻ, nên vẫn có lực mua tốt từ các nhà đầu tư khác. Bà Nguyễn Thị Hoạt, chuyên gia Công ty Chứng khoán TCBS cho biết, thị trường trái phiếu trong 3 tháng qua có sự quan tâm lớn đối với trái phiếu niêm yết, trái phiếu doanh nghiệp đầu ngành và các trái phiếu có thời hạn ngắn.
“Nhu cầu mua nhóm này đạt 300-400 tỷ đồng/ngày”, chuyên gia từ TCBS cho hay.
Chia sẻ tại Talkshow Chọn danh mục do Báo Đầu tư tổ chức ngày 4/11, ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Phân tích xếp hạng tín nhiệm, thành viên Hội đồng Xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings cho rằng, nhà đầu tư cần bình tĩnh, xem xét lại tài sản, trái phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ của doanh nghiệp nào, kết quả kinh doanh ra sao, bởi nếu thật sự tốt thì không có lý do gì để bán rẻ hay chấp nhận chiết khấu rất cao.
Theo chuyên gia từ FiinRatings, có 3 tiêu chí tài chính cơ bản mà nhà đầu tư cần phải xem xét và trao đổi với tổ chức phát hành, tổ chức phân phối trước khi tiến hành mua bán trái phiếu, gồm đòn bẩy tài chính, khả năng chi trả lãi vay và khả năng chi trả nợ gốc của tổ chức phát hành.
Ngoài hiểu về sản phẩm trái phiếu đang nắm giữ, nhà đầu tư cũng cần hiểu được khẩu vị rủi ro và tình trạng tài chính của chính mình.
“Cứu” niềm tin bằng thông tin minh bạch
Để nhà đầu tư có thông tin, đòi hỏi sự công khai minh bạch từ tổ chức phát hành, tổ chức tư vấn phát hành. Thực tế, đã có hiệu ứng đám đông xuất phát từ câu chuyện và tin đồn liên quan đến các nhà phát hành.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, ở thời điểm hiện tại, thị trường chưa khắc phục được vấn đề công khai, minh bạch với một số hiện tượng chưa rõ ràng. Để giữ uy tín, nhà phát hành sẽ cần phải xử lý ngay trong ngắn hạn.
Đồng quan điểm, chuyên gia từ FiinRatings cho rằng, kể cả khi các tổ chức phát hành gặp vấn đề trong đáp ứng khả năng chi trả cũng cần tôn trọng trái chủ bằng cách cung cấp công khai, minh bạch lộ trình giải pháp, hoạt động cấu trúc lại thời gian trả nợ.
Rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đó liên quan tới những lĩnh vực có độ rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán là vấn đề không riêng của Việt Nam, mà một số thị trường khác cũng đang đối mặt.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, ngoài giải pháp minh bạch thông tin, thì biện pháp tạo dòng tiền xử lý các vấn đề liên quan, như xây dựng quỹ hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, là cần thiết để giải quyết vấn đề trong ngắn hạn. Thị trường Trung Quốc đã làm, và mới đây, Hàn Quốc kích hoạt quỹ bình ổn trái phiếu với mục đích tạo niềm tin để thị trường có được sự bình ổn khi vấn đề phát sinh.
Giao dịch trái phiếu đang đi tìm điểm cân bằng mới trên thị trường thứ cấp. Bên cạnh bàn tay thị trường, biện pháp xử lý trước mắt giúp các nhà phát hành có điều kiện, có dòng tiền thanh toán trước biến động trái phiếu doanh nghiệp là rất quan trọng, nhất là khi doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan tới thanh khoản, không phải vấn đề căn cốt liên quan tới sức khỏe tài chính của nhà phát hành hay các sai phạm.