Doanh nghiệp
Lê Duy Toàn, sáng lập, CEO Duy Anh Foods: “May áo mới” cho bánh tráng truyền thống
Hồng Phúc - 05/03/2020 10:13
Trở về sau quãng thời gian du học tại Mỹ, Lê Duy Toàn quyết tâm làm sống lại nghề sản xuất bánh tráng tại vùng đất thép Củ Chi, đưa sản phẩm truyền thống của Việt Nam ra thế giới.
Lê Duy Toàn

Từ gói bánh tráng “made in Thailand” trên kệ siêu thị tại Mỹ

“Ngày lên đường sang Mỹ du học, tôi nghĩ, mình sẽ ‘thoát’ được mùi chua chua mỗi khi xay gạo, đổ bánh tráng từ 4 giờ sáng”, Lê Duy Toàn kể về thời điểm mơ mộng sẽ định cư tại Mỹ ngay khi tốt nghiệp đại học.

Ở làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), cách trung tâm TP.HCM khoảng 30 km, rất nhiều người thuộc thế hệ của Toàn không chọn nối nghề cha ông. Thiếu thế hệ tiếp nối đam mê sản xuất cũng là thách thức lớn nhất để gìn giữ nghề truyền thống tại các làng nghề trăm năm tuổi.

Thời gian học tập tại Mỹ, Toàn bắt gặp những gói bánh tráng được bày bán trên kệ siêu thị, gắn mác “made in Thailand”.

“Không hiểu sao, khi ấy, tôi có cảm giác bực bội rất khó tả. Quê mình sản xuất bánh tráng, nhưng tại sao lại không thể xuất khẩu sang Mỹ, trong khi Thái Lan nhập hàng của Việt Nam về rồi đóng gói và xuất khẩu”, Toàn chia sẻ. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu, giữ mối liên hệ với những cửa hàng nơi mình làm phục vụ và dự định sau này sẽ đưa bánh tráng sang ký gửi.

Tốt nghiệp đại học, Toàn từ bỏ cơ hội định cư và quyết định về quê tìm cách xuất khẩu bánh tráng, miến và phở sang Mỹ, dù khi đó, anh chưa mường tượng được hết những công việc sẽ phải triển khai. Trước đó, Toàn đã tham khảo ý kiến của gia đình ba mẹ nuôi tại Mỹ và nhận được sự ủng hộ, khiến anh càng quyết tâm hơn.

Thật ra, ban đầu, Toàn cũng chưa dám “công khai” kế hoạch của mình. Anh nói với gia đình là sẽ về đầu quân cho một doanh nghiệp, nhưng âm thầm mang 3 sản phẩm chính từ xưởng sản xuất của gia đình, gồm bánh tránh, sợi bún và phở đi chào hàng, ký gửi tại nhiều siêu thị, cửa hàng từ Nam ra Bắc. Thời gian đầu, công việc này không mấy hiệu quả.

Sau đó không lâu, nhờ sự phát triển của du lịch, một cánh cửa mới bắt đầu mở ra với nghề sản xuất bánh tráng của gia đình Toàn. Lần đó, một đoàn khách du lịch người Nhật Bản đến tham quan di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, rồi được giới thiệu về quy trình sản xuất bánh tráng tại vùng đất này. Khi trở về, mỗi du khách đều mang gói bánh tráng làm quà. Trong số đó, có một khách hàng đã liên hệ với gia đình Toàn và đặt vấn đề hợp tác, nhập khẩu bánh tráng vào Nhật Bản.

“Tôi thú thật với họ rằng, chúng tôi chưa biết phải đáp ứng các giấy chứng nhận tiêu chuẩn như thế nào và đã được hướng dẫn rất cụ thể”, Toàn kể.

Đến hành trình đưa bánh tráng Việt ra thế giới

Năm 2005, hộ kinh doanh của gia đình Toàn chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Từ sản xuất thủ công, Toàn bắt đầu gây dựng thương hiệu Duy Anh Foods, hướng đến sản xuất công nghiệp, đổi mới, nhưng vẫn gìn giữ được nghề truyền thống.

Thời điểm đó, ở làng nghề Phú Hòa Đông, có đến 80% hộ gia đình làm bánh tráng đã đóng cửa. Những gia đình còn lại sản xuất cầm chừng, bán số lượng nhỏ cho thị trường nội địa, hoặc nhận gia công. Toàn xác định, đích đến của Duy Anh Foods là đưa bánh tráng đến bên kia quả địa cầu, chứ không chỉ dừng lại ở sản xuất phục vụ thị trường nội địa.

Toàn trực tiếp tham gia sản xuất bánh tráng tại xưởng và được sự chỉ dẫn từ ba mẹ - những thợ lành nghề và nhiều kinh nghiệm. Cùng với đó, anh tập trung nghiên cứu về sản phẩm, thị trường và đầu tư máy móc, thực hiện hàng loạt tiêu chuẩn, chứng nhận, chấp nhận duy trì trả phí gửi mẫu kiểm nghiệm sản phẩm đều đặn hàng năm đến đối tác…

“Ban đầu, tôi nghĩ, cứ mang loại bánh tráng tròn, có đường kính khoảng 22 cm phổ biến ở Việt Nam sang Nhật Bản là sẽ được thị trường đón nhận. Nhưng rốt cuộc, sản phẩm không bán được”, Toàn chia sẻ.

Dành thời gian tìm hiểu, Toàn nhận ra, mỗi thị trường ưa chuộng sản phẩm có hình dáng, kích cỡ, độ dày/mỏng khác nhau. Người tiêu dùng ở châu Âu có sở thích khác với người tiêu dùng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia. Người Mỹ lại có yêu cầu riêng, thị trường Thái Lan cũng khác biệt.

“Người phương Tây thường nhúng bánh tráng vào nước rồi gói, nhưng họ làm không quen, nên dễ bị rách. Chúng tôi phải sản xuất từng lát bánh tráng trong mỗi gói dày hơn những lô hàng xuất sang thị trường châu Á”, Toàn lý giải.

Hiện nay, các sản phẩm của Duy Anh Foods đã xuất khẩu đến hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính. Sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), đạt chứng nhận Kosher (đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn uống theo đạo luật của người Do Thái)… Tỷ lệ tiêu thụ tại thị trường nội địa của Duy Anh Foods khoảng 30%; 70% dành cho xuất khẩu.

Hành trình “may áo mới” cho bánh tráng, miến, phở Việt Nam của Lê Duy Toàn đã đạt được những thành công bước đầu. Toàn vui hơn, vì trên hành trình ấy, anh được sự ủng hộ của gia đình; sự đồng lòng, chung sức của hai người em trai đang tham gia công việc quản lý sản xuất, tài chính tại Duy Anh Foods sau thời gian du học.

Yêu nghề sản xuất bánh tráng truyền thống của quê hương, Toàn cùng gia đình mong muốn, một bảo tàng bánh tráng sẽ được xây dựng tại quê hương đất thép Củ Chi.

Năm 2012, một sự cố không may đã xảy ra. Toàn bộ xưởng sản xuất của Duy Anh Foods bị cháy, chỉ còn tấm vách trơ trọi. “Nhớ lại cảnh ấy, tôi vẫn rớt nước mắt”, Toàn chia sẻ.

Khi đó, nhiều khách hàng biết tin đã động viên và sẵn sàng gia hạn thời gian giao hàng, chờ Công ty khôi phục lại xưởng và đến giờ, Toàn vẫn luôn cảm kích vì điều ấy.

Với anh, đối tác tốt không hẳn là người mang đến tỷ lệ lợi nhuận cao nhất, mà là những người sẵn sàng chìa tay giúp đỡ khi mình gặp khó khăn.

Tin liên quan
Tin khác