Đầu tư và cuộc sống
Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2022: Niềm tự hào của người dân đất cảng
Thanh Sơn - 13/05/2022 14:06
Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng hàng năm luôn là một sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội thường niên và trở thành lễ hội truyền thống đặc trưng, là niềm tự hào của người dân đất cảng.
Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng đã trở thành thương hiệu của thành phố cảng        Ảnh: Thanh Sơn

Đây là năm thứ 9, Hải Phòng tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ gắn với kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2022). Năm nay, Lễ hội được tổ chức với chủ đề “Hải Phòng - Điểm đến thành công”, nhằm lan tỏa thông điệp Hải Phòng luôn là điểm đến thành công trên mọi lĩnh vực đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, điểm hẹn du lịch hấp dẫn.

Điều này cũng thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố trong việc thực hiện hiệu quả, thắng lợi Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố và Chủ đề năm 2022 “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật Đêm hội “Hải Phòng - Điểm đến thành công” sẽ diễn ra vào lúc 20h00’ ngày 13/5 và bắn pháo hoa tầm thấp tại khu vực Nhà hát Lớn thành phố. Lễ hội còn có sự góp mặt của những Hoa hậu, Á hậu của Hải Phòng đã từng đăng quang và làm rạng danh cho thành phố. Cuộc hội ngộ lần này hứa hẹn mang đến nhiều điều bất ngờ, thú vị cho du khách, người dân.

Bên cạnh các hoạt động chính của Lễ hội, có hơn 70 hoạt động kinh tế (khởi công, khánh thành...), văn hóa, thể dục thể thao, du lịch tiêu biểu diễn ra bên lề Lễ hội tại khu vực dải trung tâm thành phố, trung tâm các quận, huyện, thị trấn.

Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh, thông qua Lễ hội Hoa phượng đỏ, Hải Phòng sẽ quảng bá hình ảnh con người đất cảng, khẳng định những thành tựu nổi bật của Thành phố đã đạt được, nâng cao vị thế, uy tín của Hải Phòng trong nước và quốc tế. Từ đó, tăng cường đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch; tạo động lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao tiêu biểu, đặc sắc, hứa hẹn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự như: phát động Cuộc thi Biểu tượng thành phố; Lễ công bố, đón nhận danh hiệu 9 bảo vật quốc gia và trưng bày bộ sưu tập An Biên; Giải đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình TP.HCM lần thứ 34 - 2022 với chủ đề “Non sông liền một dải”; Cuộc thi “Hải Phòng Sao Mai 2022”; Giải vô địch quốc gia golf lần thứ nhất tại Hải Phòng; Chương trình biểu diễn múa rối và trưng bày “Không gian văn hóa nghệ thuật Hải Phòng”; Chương trình nghệ thuật Liên hoan du lịch Đồ Sơn “Sắc màu của biển”; Lễ hội trưng bày và diễu hành xe cổ; Triển lãm một số hình ảnh, tư liệu và chương trình nghệ thuật kỷ niệm 55 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho quân và dân TP. Hải Phòng (29/4/1967 - 29/4/2022); Tổ chức Giải vô địch Cúp các câu lạc bộ Lân Sư Rồng quốc gia năm 2022...

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, chủ đề “Hải Phòng - Điểm đến thành công” sẽ được thể hiện rõ qua 67 hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, đặc sắc, tương ứng với kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Hải Phòng. Đặc biệt, so với những năm trước, năm nay, ngoài đêm hội chính ở quảng trường Nhà hát Lớn thành phố, bên trong Nhà hát cũng sẽ luôn sáng đèn đón người xem.

Một số chương trình, vở diễn sân khấu truyền hình quảng bá đậm nét về Hải Phòng sẽ được công diễn, trong đó, nổi bật là các vở kịch kinh điển của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ: “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Tôi và chúng ta”, “Lời thề thứ 9”. Tại không gian trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật Thành phố, ngoài chương trình múa rối nước, còn có các tiết mục rối cạn, rối que và tổ chức không gian để người xem trải nghiệm nghệ nhân làm con rối. Hay như chương trình Đêm nhạc tri ân “Tình yêu Hải Phòng” của 3 nhạc sĩ Duy Thái, Nguyễn Hồng Sơn và Xuân Bình, đồng thời gây quỹ “Vì biển, đảo thân yêu” diễn ra tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Tiệp.

“Điểm nhấn lớn nhất của Lễ hội vẫn là chương trình nghệ thuật chính với quy mô hoành tráng, hấp dẫn, nhiều tiết mục mới, bài hát mới, tập trung về vẻ đẹp của miền đất và con người Hải Phòng. Hòa mình vào đêm hội, người dân và du khách sẽ càng thêm hiểu và yêu thành phố Hoa phượng đỏ”, bà Mai cho biết thêm.

Trong dịp này, từ thành phố tới các quận, huyện tổ chức khởi công, khánh thành hơn 20 công trình, dự án tiêu biểu. Trong đó, khánh thành một số công trình: công viên cây xanh ở các quận, công trình xây dựng nông thôn mới tại một số xã thuộc huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão.

Thành phố sẽ khởi công Dự án đầu tư Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Phòng; Dự án khách sạn 5 sao tại Khu đô thị mới 2A Sở Dầu; Dự án Hải Phòng Sakura Golf Club; Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để thực hiện chỉnh trang đô thị tại khu vực chợ Sắt; Dự án phát triển khu dân cư tại thị trấn Vĩnh Bảo; Khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh)...

Tin liên quan
Tin khác