Là “trung tâm” vải thiều của tỉnh Hải Dương, nơi vẫn còn cây vải Tổ gần 200 năm tuổi, huyện Thanh Hà đã được tỉnh Hải Dương lựa chọn để tổ chức Lễ hội Vải thiều lần đầu tiên, chứng tỏ giá trị thương hiệu của quả vải thiều Thanh Hà. Xin ông giới thiệu đôi nét về lễ hội này?
Đây là lần đầu tiên, Hải Dương tổ chức Lễ hội Vải thiều. Lễ hội diễn ra tại Quảng trường Thanh Bình (huyện Thanh Hà) vào ngày 10/6/2018.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. |
Sau rất nhiều năm, lượng tiêu thụ quả vải ngày càng tăng. Tỉnh Hải Dương nhận thấy, quả vải thiều Thanh Hà đã trở thành sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội đầu tiên quy mô, bài bản nhằm tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu, nguồn gốc truy xuất, chỉ dẫn địa lý, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường, cũng như tạo sự lan tỏa hơn nữa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Lễ hội cũng là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nông sản tiếp xúc trực tiếp với nông dân, các đầu mối thu mua vải thiều tại Hải Dương. Từ đó, mở rộng hợp tác tiêu thụ vải thiều và nông sản của huyện nhằm nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Đây cũng là dịp để huyện Thanh Hà giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh Hải Dương nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch.
Tại Lễ hội, sẽ có khoảng 60 gian hàng trưng bày sản phẩm vải thiều Thanh Hà và giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu của mỗi địa phương trong huyện và tỉnh Hải Dương.
Niềm vui của người nông dân Thanh Hà khi vải thiều được mùa và ngày càng khẳng định giá trị thương hiệu |
Nhân dịp này, huyện sẽ quảng bá quy hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sông Hương - Thanh Hà. Cũng trong lễ hội, huyện sẽ tổ chức ký kết các hợp đồng liên kết tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm nông sản và du lịch.
Dự kiến, Lễ hội sẽ thu hút hàng ngàn du khách. Khách tới lễ hội sẽ được tham quan cây vải Tổ, vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và vùng vải thiều xuất khẩu vào thị trường Mỹ; trải nghiệm hái vải tại vườn và đi thuyền tham quan các vườn vải bên đôi bờ sông Hương cùng nhiều hoạt động ấn tượng khác.
Năm nay, quả vải Thanh Hà rất được mùa. Ông có thể chia sẻ niềm vui này đến với độc giả, người tiêu dùng?
Năm 2017, sản lượng vải Thanh Hà đạt khoảng 22.000 tấn, trong đó có 15.000 tấn vải sớm, tiêu thụ thuận lợi. Thị trường trong nước có giá bán tốt. Sản lượng vải xuất khẩu đạt khoảng 10.500 tấn và đã có mặt tại các thị trường Trung Quốc, Australia, Pháp, Singapore, Canada, Hàn Quốc... Giá trị vải thiều mang lại đạt trên 700 tỷ đồng.
Niên vụ năm nay, vải sớm vẫn được mùa, tiêu thụ nhanh, được giá, nên nông dân huyện Thanh Hà rất phấn khởi. Xã Thanh Cường có 180 ha vải sớm, trong đó có 23 ha vải sản xuất theo quy trình VietGAP, chủ yếu là giống vải U hồng. Sản lượng vải quả của xã Thanh Cường ước đạt 1.200 tấn, tăng 200 tấn so với năm ngoái.
Xã Thanh Bính là nơi có nhiều vải sớm nhất. Với gần 200 ha, năm nay, toàn xã ước thu 3.000 tấn, tăng 500 tấn so với năm ngoái. Ngoài 18 ha vải nằm trong vùng xuất khẩu, các diện tích khác cũng được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP nên chất lượng quả vải tốt hơn những năm trước.
Toàn huyện Thanh Hà hiện có gần 4.000 ha trồng vải, bao gồm 1.500 ha vải sớm và gần 2.500 ha vải thiều chính vụ. Sản lượng vải quả của huyện niên vụ này ước đạt 35.000 tấn.
Đặc biệt, năm nay, vải thiều Thanh Hà đã được hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, khẳng định chất lượng và uy tín của thương hiệu vải thiều Thanh Hà.
Để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho quả vải khi tiêu thụ, nông dân đã được ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn và sản xuất theo quy trình VietGAP. Đồng thời, được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng cho 9 vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, Australia và các nước EU với diện tích hơn 100 ha.
Lễ hội Vải thiều Thanh Hà 2018 là một nét mới trong hoạt động quảng bá, tạo sự lan tỏa của thương hiệu vải thiều Thanh Hà. Hiệu quả của lễ hội lần đầu tiên này được kỳ vọng như thế nào, thưa ông?
Những năm qua, quả vải thiều luôn nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành và địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Australia, một số nước khu vực Trung Đông, Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Hiện nay, đã có nhiều công ty lớn đặt hàng, ký kết hợp đồng với Hiệp hội Vải thiều Thanh Hà và các cơ sở đầu mối để phân phối vải thiều trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trong đó, những khách hàng thường xuyên là hệ thống siêu thị Coop-mart, BigC, Intimex, Công ty Xuất nhập khẩu rau quả Đồng Giao, Công ty TNHH Rồng Đỏ, Công ty TNHH Chế biến nông, lâm sản xuất khẩu Thanh Hà, Công ty TNHH Hưng Việt, Công ty TNHH Phúc Cường...
Lễ hội Vải thiều Thanh Hà 2018 sẽ góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu vải thiều Thanh Hà nói riêng và vải thiều của Hải Dương nói chung. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh vải thiều, hàng nông sản, thực phẩm và các sản phẩm du lịch của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu.
Lễ hội lần đầu tiên này thành công sẽ là tiền đề cho các lễ hội tiếp theo. Qua lễ hội, huyện Thanh Hà và tỉnh Hải Dương tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng chuỗi giá trị cho cây vải thiều nói chung và sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch của tỉnh nói chung theo hướng bền vững.
Thương hiệu vải thiều Thanh Hà - Hải Dương ngày càng lan tỏa, khẳng định được giá trị là một loại quả quý với chất lượng thơm ngon, vị thanh ngọt, xứng đáng là loại trái cây đặc sản của Việt Nam. Trái vải thiều Thanh Hà đang được hàng triệu khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng, dần khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ “Top 10 loại trái cây ngon nhất thế giới”.