Dấu mốc quan trọng sau 20 năm phát triển tại Việt Nam
Năm 1995, LG chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam với tên gọi LG Sel Electronics và mở nhà máy tại Hưng Yên, với vốn đầu tư 13 triệu USD cho dây chuyền sản xuất 550.000 sản phẩm/năm. Ban đầu, LG Việt Nam chỉ sản xuất 1 dòng sản phẩm duy nhất là tivi CTV.
Dây chuyền sản xuất tivi của LG |
Ba năm sau đó, LG bắt đầu sản xuất màn hình máy tính, tiếp đó là điều hòa, tủ lạnh, máy giặt và trở thành công ty 100% vốn nước ngoài vào năm 2002. Năm 2003, LG lắp đặt thêm 2 dây chuyền công suất 450.000 sản phẩm/năm và phát triển thêm các sản phẩm đầu DVD và TV LCD. Tiếp đó, năm 2004, các dòng điện thoại di động cũng được đưa ra thị trường.
Còn nhớ, thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi LG chưa chính thức đặt chân vào Việt Nam, những chiếc tivi nhập ngoại như TV GoldStar, TV Golden Eye, Flatron là niềm mơ ước của rất nhiều gia đình Việt Nam. Từ năm 2004, sở hữu những chiếc điện thoại của LG như Viewty (KU990) hay Prada cũng là niềm mơ ước. Nhưng đến nay, với liên tiếp những phát minh, phát triển công nghệ vượt bậc, người tiêu dùng Việt Nam đã được sở hữu những sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới, như tivi OLED, Utra HD, smartphone LG G3... Điều đáng nói là, phần lớn những sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất của LG sẽ được sản xuất ở Việt Nam tại Tổ hợp công nghệ LG - Hải Phòng.
Tính đến nay, LG đã có 20 năm phục vụ người tiêu dùng Việt Nam và trở thành một trong những hãng điện tử lớn nhất, đi đầu trong việc phát triển và sản xuất các dòng sản phẩm công nghệ cao, như TV, thiết bị di động, máy điều hòa, máy giặt và tủ lạnh… và là một trong những thương hiệu hàng đầu được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích, tin dùng.
Khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam
Ông Bon-joon Koo, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn LG khẳng định: “Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu 20 năm phát triển vững mạnh của LG tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình vì thành công của hoạt động đầu tư hợp tác này. Nhà máy mới của LG tại Hải Phòng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược sản xuất toàn cầu của LG”.
Dự án Tổ hợp công nghệ LG - Hải Phòng được xây dựng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, có tổng diện tích 800 ha, tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD. Dự án được chia thành 3 giai đoạn đầu tư phát triển. Theo đó, trong giai đoạn đầu, Nhà máy của LG sẽ tập trung sản xuất, lắp ráp các loại sản phẩm chủ yếu như các loại thiết bị kỹ thuật số cho ô tô, điện thoại di động, tivi, máy giặt, điều hòa, máy hút bụi...
Các dòng sản phẩm đều được sản xuất trên các dây chuyền công nghệ mới, hiện đại, đòi hỏi trình độ sản xuất cao. Công suất hàng năm đối với mỗi dòng sản phẩm lên tới hàng triệu sản phẩm, tập trung vào phân khúc cao cấp. Trong 5 năm đầu, 70% sản phẩm sản xuất tại Nhà máy sẽ phục vụ xuất khẩu sang 35 nước trên thế giới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo LG cho biết, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình phát triển và hiện đại hóa ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 50% trong giai đoạn I. Tổ hợp công nghệ LG đi vào hoạt động cũng sẽ là cơ hội tốt và thuận lợi cho các nhà máy sản xuất phụ trợ của Việt Nam hợp tác phát triển. LG sẽ tư vấn, chuyển giao cho các nhà máy này các quy trình quản lý sản xuất hiện đại, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên phụ liệu, thiết bị phụ trợ cho LG.
Bên cạnh đó, Dự án sẽ là tiền đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các công ty vệ tinh của LG trên toàn cầu vào Hải Phòng để cung cấp linh kiện và thiết bị phụ trợ cho các sản phẩm sản xuất tại Tổ hợp công nghệ LG - Hải Phòng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tổ hợp công nghệ LG là dự án FDI lớn nhất tại Hải Phòng. Dự án cũng có đóng góp lớn vào quá trình đổi mới cơ cấu phát triển và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của TP. Hải Phòng. Nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Ý kiến - nhận định Một dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng
Dự án Tổ hợp công nghệ LG - Hải Phòng là dự án đầu tư lớn nhất của Hải Phòng trong nhiều năm qua, là một điểm nhấn quan trọng trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Hải Phòng. Khi đi vào hoạt động, Dự án Tổ hợp công nghệ LG - Hải Phòng sẽ có tác động rất lớn, rất tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng. Dự án sẽ kéo theo hàng loạt công ty phụ trợ đi kèm để phục vụ nhà máy, mang lại việc làm, thu nhập cho hàng chục ngàn lao động, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo chuyển biến lớn cho nền công nghiệp địa phương… Bên cạnh đó, các sản phẩm của LG sản xuất tại đây không chỉ tiêu thụ ở tại Việt Nam, mà còn góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng. Hải Phòng sẽ có trách nhiệm trong xây dựng các dự án hạ tầng chiến lược để các dự án đầu tư của LG tại Hải Phòng được thực hiện thuận tiện, có sức cạnh tranh cao. Việt Nam là căn cứ điểm chiến lược của LG trong khu vực
Tổ hợp công nghệ LG - Hải Phòng là dự án nhà máy có quy mô lớn nhất của Tập đoàn LG trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định việc LG coi Việt Nam là căn cứ điểm quan trọng trong chiến lược phát triển toàn cầu của LG. Nhà máy được xây dựng với thiết kế, dây chuyền hiện đại, tự động hóa, thông minh nhằm sản xuất các sản phẩm điện tử đa dạng, từ các dòng phổ thông đến cao cấp, tiên tiến như các dòng TV thông minh, các dòng smartphone cao cấp, các dòng điều hòa, máy giặt inverter đời mới... Đây đều là các dòng sản phẩm chiến lược của Tập đoàn LG và 70% sản phẩm sản xuất tại nhà máy này sẽ được xuất khẩu tới 35 nước trên thế giới. Tổ hợp công nghệ LG - Hải Phòng cũng sẽ là một căn cứ điểm phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam, thông qua việc LG đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển các nhà máy sản xuất phụ trợ cho LG tại đây. Cơ hội lớn cho công nghiệp phụ trợ Việt Nam
Trong khi không ít dự án FDI khác đầu tư vào Việt Nam để tìm kiếm các chính sách ưu đãi, lợi thế về nhân công, thì LG đã hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển, chia sẻ công nghệ, cơ hội, lợi nhuận. Đây là điểm khác biệt của LG và tôi đánh giá rất cao mối quan hệ phát triển bền vững, cùng có lợi này của LG. Dự án của LG sẽ tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển nền công nghiệp Việt Nam, bởi chính sách ưu đãi, các lợi thế rồi cũng sẽ hết, lúc đó sẽ có một làn sóng dịch chuyển đầu tư và nếu không có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp địa phương thì dự án FDI đó sẽ chuyển đi tìm kiếm cơ hội ở quốc gia khác, tạo ra lỗ hổng cho nền công nghiệp. Trước đây, các dự án của LG chủ yếu phục vụ thị trường Việt Nam. Nhưng với dự án này, LG đã xác định cung cấp sản phẩm cho thị trường toàn cầu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với LG có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường thế giới và mở ra những cơ hội lớn về doanh thu, tiếp cận công nghệ, cải tiến sản phẩm…n |
Hữu Tuấn