Ngân hàng BIDV-Chi nhánh Thanh Xuân sẽ cung ứng vốn cho Dự án của Licogi 13 |
Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị được xây dựng tại xã Gio Hải và xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Dự án có tổng mức đầu tư 1.087 tỷ đồng. Công suất định mức của Nhà máy là 49,5MW; điện năng sản xuất hàng năm dự kiến: 67,63 triệu kWh/năm, điện áp đấu nối: 110kV. Dự kiến nhà máy được vận hành thương mại vào tháng 5/2019.
Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị giao cho Công ty cổ phần Licogi 13 làm Chủ đầu tư theo Quyết định số 1247/QĐ-UBND ngày 8/6/2018.
Trước khi ký hợp đồng chính thức, cuối tháng 9/2018, Công ty Mua Bán Điện và Công ty cổ phần Licogi 13 đã ký tắt dự thảo Hợp đồng mua bán điện theo nguyên tắc giá điện mua bán được áp dụng theo Quyết định số 11/QĐ-TTgCP ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo đó, nếu Nhà máy điện vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/1kWh và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Trường hợp Nhà máy điện vận hành thương mại sau ngày 30/6/2019, hai bên sẽ thảo luận và thống nhất sau khi có hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyển về cơ chế giá điện cho giai đoạn này.
Đầu tháng 10/2018, Ngân hàng BIDV-Chi nhánh Thanh Xuân và Công ty cổ phần Licogi 13 cũng đã ký kết Hợp đồng tín dụng cho Dự án Nhà máy điện Mặt trời LIG Quảng Trị với giá trị trên 760 tỷ đồng.
Theo Licogi 13, việc đầu tư vào các dự án điện năng lượng mặt trời là phù hợp với xu thế phát triển năng lượng hiện nay, sẽ vận dụng được tối đa cơ chế khuyến khích theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Với bề dày kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thi công các công trình trọng điểm quốc gia, việc LICOGI13 đầu tư Dự án điện mặt trời sẽ phát huy được các lợi thế sẵn có, tối ưu được các chi phí đầu tư.
Để quyết định đầu tư dự án này, Licogi 13 đã triển khai tìm kiếm, nghiên cứu, đánh giá các dự án tiềm năng tại nhiều tỉnh miền Trung. Theo đánh giá của Licogi 13, Quảng Trị là địa phương có nhiều lợi thế, nơi có nguồn bức xạ được đánh giá ở mức tốt ở Việt Nam, cường độ bức xạ ổn định, chỉ sau vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Địa điểm lựa chọn xây dựng dự án xa khu dân cư, phần lớn diện tích là đất trống, chi phí đền bù thấp, công tác giải phóng mặt bằng nhanh và thuận lợi hơn so với các địa điểm khác. Dự án có giao thông thuận tiện, kết nối với tuyến đường ven biển, trục đường hành lang kinh tế Đông Tây, đấu nối giao thông hạ tầng ngắn... Qua phân tích tài chính cho thấy đây là dự án khả thi và đảm bảo hiệu quả kinh tế.