K+ đã đạt điểm hòa vốn sau 5 năm đầu tư |
Suốt một thời gian dài, câu chuyện thua lỗ của K+ luôn là tâm điểm của truyền thông mỗi khi mùa giải bóng đá ngoại hạng Anh bắt đầu khởi tranh. Nguyên nhân là bởi K+ đã chi ra gần 40 triệu USD mua bản quyền bóng đá ngoại hạng Anh 3 mùa giải liên tiếp 2013 - 2016 để độc quyền phát sóng. Theo con số từ cơ quan chức năng nhưng không được K+ xác nhận, năm 2012, lỗ lũy kế của K+ là hơn 1.300 tỷ đồng và tới năm 2014 là 1.900 tỷ đồng. Dư luận nghi ngờ rằng, do bên nước ngoài là Canal+ tại K+ vừa là chủ sở hữu chiếm 49% vốn góp, vừa là chủ nợ cho vay, người bảo lãnh vay và người đứng ra cung cấp dịch vụ bản quyền bóng đá cho K + nên khả năng chuyển giá rất dễ xảy ra.
Mới đây, trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo K+ tuyên bố: “K+ đã đạt điểm hòa vốn sau 5 năm đầu tư”. Vậy thực hư câu chuyện này ra sao?
Hoạt động của Liên doanh K+
Thành lập tháng 5/2009, Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh VSTV (K+) là công ty liên doanh giữa hai đơn vị là Trung tâm kỹ thuật Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) trực thuộc VTV và Công ty Canal+ International Development (thuộc Tập đoàn Canal+, Pháp). Theo hợp đồng giữa hai bên, VTV nắm giữ 51% và Canal+ nắm giữ 49% vốn sở hữu. Thời hạn hoạt động của VSTV kéo dài 25 năm và có thể tiến hành bổ sung theo luật Việt Nam. Số vốn điều lệ ghi trong hợp đồng là 20 triệu USD, phần đóng góp của VCTV là hơn 10 triệu USD (chiếm 51% tổng vốn).
Phần vốn đóng góp của VCTV cùng Canal+ để cho ra đời K+ thực chất là hệ thống cơ sở vật chất phát sóng DTH (Direct to home - phương thức truyền dẫn qua vệ tinh), cùng 100.000 thuê bao đang sử dụng hệ thống DTH của VCTV (ở thời điểm ký hợp đồng). Như vậy, có thể hiểu khách hàng thuê bao của VCTV được quy đổi như một phần vốn mà VCTV đóng góp cùng đối tác Canal+.
Ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+ cho biết, K+ ra đời muộn, khi truyền hình trả tiền Việt Nam đã phát triển với nhiều đơn vị tham gia, nhiều phương tiện truyền dẫn khác nhau nên sức ép cạnh tranh rất lớn. “Vốn đầu tư ban đầu của 2 chủ đầu tư thấp, chỉ 20 triệu USD, trong khi vốn cho một doanh nghiệp truyền hình trả tiền rất lớn, vì vậy phải sử dụng nguồn vốn vay lớn hơn nhiều lần vốn chủ, dẫn đến số vay nợ lớn, sức ép lãi vay và trả nợ cao. Vấn đề vi phạm bản quyền đang ngày càng phổ biến và trắng trợn là thách thức đối với mọi đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền”, ông Công lý giải nguyên nhân thua lỗ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn vào năm 2013, đại diện của Canal+ tại K+ cho biết, Canal+ đã đầu tư rất lớn, gần như toàn bộ vốn đầu tư thực tế về xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nội dung, bản quyền… đều có tài chính từ Canal+. Để một kênh truyền hình mới đi vào hoạt động và có lãi thường phải mất khoảng 10 năm, vì thế, đòi hỏi K+ phải có lãi chỉ vài năm sau khi đầu tư hàng trăm triệu USD là điều bất khả thi.
Ông Jacques Aymar de Roquefeuil, Phó tổng giám đốc K+ khẳng định: “K+ thua lỗ là bình thường, giống như các doanh nghiệp truyền hình trả tiền khác trên thế giới. Muốn hòa vốn, K+ phải có được lượng thuê bao nhất định. Đến thời điểm này, tất cả những vấn đề liên quan đến tài chính vẫn đang trong kiểm soát và K+ đang có tình hình kinh doanh “tốt nhất” so với các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền hiện nay tại Việt Nam”.
Còn theo một lãnh đạo VTV thời điểm đó, sau 4 năm hoạt động, mỗi ngày K+ lỗ 1 tỷ đồng. Con số này cũng tương đương với con số mà cơ quan chức năng đưa ra năm 2013 là K+ đang lỗ 1.300 tỷ đồng.
K+ thoát lỗ và những câu hỏi bỏ ngỏ!
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+ cho biết, K+ đạt điểm hòa vốn sau hơn 5 năm hoạt động. 6 tháng cuối năm 2015 và năm 2016, K+ tiếp tục duy trì điểm hòa vốn và có lợi nhuận để tăng cường đầu tư vào nội dung và phát triển các dự án cung cấp cho khách hàng của K+, đặc biệt là các thuê bao gói cao cấp nhiều dịch vụ tiện ích nhằm phát triển kinh doanh bền vững trong trung và dài hạn.
K+ cho biết số lỗ đã giảm mạnh qua từng năm. Hiện K+ đang hoạt động khá tốt với hơn 800.000 thuê bao, tăng trưởng thuê bao bình quân 140%/năm, tăng trưởng doanh thu tăng bình quân 150%/năm (hiện đạt trên 1.200 tỷ đồng) và lợi nhuận trước lãi vay, khấu hao và thuế đạt con số dương vào tháng 6/2015.
Lãnh đạo K+ cũng cho hay, sau 6 năm đầu tư vào Việt Nam, Liên doanh K+ đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đó là việc K+ nộp cho ngân sách hơn 700 tỷ đồng, tạo việc làm cho 300 nhân viên công ty và hơn 3.000 đại lý bán hàng cho K+, duy trì phát sóng miễn phí các kênh truyền hình thiết yếu cho các hộ dân nghèo không có điều kiện trả tiền thuê bao…
Cũng cần phải nói thêm rằng, từ khi K+ tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền với “chiêu” độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh và “đẻ” ra kênh truyền hình cao cấp giá đắt thì thị trường truyền hình trả tiền đã có sự cạnh tranh dữ dội. Các kênh truyền hình phải đầu tư nhiều hơn cho nội dung, cung cấp nhiều chương trình hay hơn và giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, quanh hoạt động của Liên doanh này vẫn còn nhiều vấn đề chưa công khai, minh bạch. Đơn cử như việc K+ bỏ bao nhiêu tiền mua bản quyền giải ngoại hạng Anh cho 3 mùa giải 2013 - 2016; K+ có chuyển giá hay không; Số nợ của K+ đối với các ngân hàng, tổ chức tài chính đến nay là bao nhiêu... đều không được K+ công khai. Những con số trên không những có ý nghĩa với gần 1 triệu thuê bao của K+, với nhiều doanh nghiệp đang cạnh tranh mua bản quyền mà còn cả với khán giả Việt Nam.