Ngân hàng - Bảo hiểm
Liên tiếp gặp sóng gió, Eximbank thêm khốn khó
Thùy Vinh - 16/07/2019 08:52
Chỉ trong hơn 3 tháng, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã 4 lần thay ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT khi ông Cao Xuân Ninh vừa có đơn xin từ nhiệm sau hơn một tháng nhận nhiệm vụ.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio
.

Bất đồng giữa các nhóm cổ đông

Trong đơn từ nhiệm, ông Cao Xuân Ninh cho biết, thời gian qua, HĐQT Eximbank và nói rộng ra là cổ đông, nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hoà dẫn đến các tranh chấp nội bộ, gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, hoạt động của Ngân hàng. Cá nhân ông, với trách nhiệm được Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cử tham gia HĐQT Eximbank, đã nỗ lực hết sức và chấp nhận đảm đương nhiệm vụ ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT Eximbank theo yêu cầu của đa số thành viên HĐQT, nhằm góp phần ổn định tổ chức ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Ninh nhận thấy, các mâu thuẫn, bất đồng giữa các nhóm cổ đông, cổ đông, thể hiện qua sự bất đồng trong nội bộ còn tiếp diễn, chưa thể dung hòa. Vì vậy, ông đề nghị HĐQT chấp thuận để được từ chức và mong muốn HĐQT sẽ tìm và bầu ra Chủ tịch HĐQT phù hợp, được toàn bộ thành viên HĐQT nhất trí thông qua. Đơn từ nhiệm của ông Ninh gửi HĐQT từ cuối tháng 6, nhưng đến nay, một thành viên HĐQT Eximbank cho biết, HĐQT vẫn chưa họp để đưa ra quyết định.

Trước đó, Eximbank đã ban hành nghị quyết về việc bầu ông Cao Xuân Ninh giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) thay ông Lê Minh Quốc từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Tuy nhiên, trước Đại hội đồng cổ đông lần 2 của Eximbank bất thành ngày 21/6, cổ đông Ngân hàng đã yêu cầu bãi nhiệm đối với ông Ninh.

Trước khi ông Ninh ngồi vào ghế "nóng" của Eximbank, ngày 23/3/2019, HĐQT Eximbank đã ban hành nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, ông Lê Minh Quốc có đơn gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM và tòa đã ra quyết định khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112.

Ngày 14/5/2019, bà Đinh Thị Huyền Khanh, đại diện theo ủy quyền của ông Lê Minh Quốc, đã rút yêu cầu khởi kiện đối với 7 thành viên trong HĐQT Eximbank. Trên cơ sở đó, ngày 14/5/2019, Tòa án Nhân dân TP.HCM ra quyết định về việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trên và ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Hàng loạt sóng gió

Việc ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm là diễn biến tiếp theo trong hàng loạt sóng gió của Eximbank thời gian qua. Đại hội đồng cổ đông lần 2 của Eximbank không thành công và cho đến nay, Ngân hàng vẫn chưa công bố khi nào tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần 3 hoặc Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua các nội dung đề ra. 

Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của Eximbank bắt đầu từ năm 2015, ở thời điểm thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sẽ sáp nhập với Nam A Bank. Việc đầu tư vào Eximbank của Nam A Bank diễn ra cuối năm 2014, khi một nhóm nhà đầu tư liên quan đến gia đình của bà Nguyễn Thị Hường đầu tư cổ phiếu Eximbank, sau khi mua lại cổ phần của ông Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch HĐQT Sacombank. Nhóm này đã có kế hoạch đưa người vào HĐQT Eximbank giai đoạn 2015-2016, nhưng bất thành. Các nhóm cổ đông không tìm được sự đồng thuận trong việc lựa chọn thêm người vào HĐQT.

Đó cũng chính là mấu chốt khiến hoạt động của Eximbank rơi vào khó khăn. Ngân hàng hoạt động cầm chừng, thậm chí sau khi bị thanh tra năm 2015, còn phải ghi nhận lỗ lũy kế hơn 800 tỷ đồng và cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/4/2016 do lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2014 đã bị điều chỉnh hồi tố từ 114,01 tỷ đồng xuống âm 834,56 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là âm 817,47 tỷ đồng.

Đến năm 2017, Eximbank làm ăn tốt hơn với khoản lãi ngàn tỷ, bắt đầu khắc phục được lỗ lũy kế và cổ phiếu được đưa ra khỏi diện cảnh báo. Tuy nhiên, đầu năm 2018, khó khăn lại ập đến bởi sự cố mất tiền của các khách VIP, làm ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng và niềm tin của khách hàng.

Lợi nhuận sụt giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính mới nhất của Eximbank, lợi nhuận trước thuế quý I/2019 sụt giảm 37,5% so cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 350 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/3/2019, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Eximbank tăng từ mức 1,85% đầu năm lên 1,88%.

Tin liên quan
Tin khác