Đó là điều mà TS. Nguyễn Đức Kiên đã chỉ ra vào năm 2016, khi còn là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Quan điểm “đầu vào của sản xuất điện là kinh tế thị trường, nhưng đầu ra lại chưa phải kinh tế thị trường” tiếp tục được TS. Nguyễn Đức Kiên nhắc lại trong năm 2022 tại một số cuộc hội thảo liên quan tới ngành điện.
Trên thực tế, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cũng như ngành điện nói riêng không thể đứng ngoài, độc lập với cuộc chơi. Để sản xuất được điện, nhiều nhiên liệu đầu vào phải mua theo giá thị trường quốc tế; máy móc thiết bị phục vụ cho phát điện cũng được nhập từ nước ngoài.
Cũng theo xu thế này, từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg, quy định về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.
Theo đó, giá bán điện bình quân tính cho 1 kWh điện thương phẩm gồm 4 thành phần: giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Quyết định cũng quy định thông số đầu vào cơ bản là các yếu tố có tác động trực tiếp đến chi phí phát điện mà đơn vị phát điện không có khả năng kiểm soát, bao gồm: giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát. Thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.
Sau Quyết định 24/2011/QĐ-TTg, các lần điều chỉnh tiếp theo của giá điện rơi vào tháng 12/2011, tháng 6/2012, tháng 12/2012 và tháng 8/2013 với mức thay đổi đều đặn là 5% mỗi lần.
Tiếp đó, vào tháng 3/2015, giá điện mới tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 7%; tới tháng 11/2017 tăng thêm 6,1%; tháng 3/2019 tăng thêm 8,36% và đứng im tới nay.
Trong khi giá cả nhiều mặt hàng biến động mạnh trong 3 năm qua; lương tối thiểu, tỷ giá ngoại tệ hạch toán cũng thay đổi; giá nhiều loại nhiên liệu cho phát điện trên thị trường thế giới tăng chóng mặt…
Do giá dầu tăng vài chục phần trăm, nên trong cùng thời gian trên, giá khí cũng “ăn theo” giá dầu, riêng giá than tăng 600% so với đầu năm 2021. Giá điện bình quân của nhiệt điện than năm 2022 rơi vào khoảng 2.170 đồng/kWh, cao hơn tới gần 530 đồng/kWh so với năm 2021. Giá nhiệt điện khí bình quân năm 2022 lên hơn 1.810 đồng/kWh, tăng khoảng 200 đồng/kWh so với năm 2021.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là giá phát điện, chứ chưa tính giá truyền tải điện, giá phân phối điện cùng chi phí điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Trong khi đó, nhiệt điện khí và than đang chiếm 45-48% sản lượng điện của cả nước.
Như vậy, so với giá bán lẻ điện bình quân công bố vào tháng 3/2019 là 1.864,44 đồng/kWh và đứng im tới thời điểm hiện nay, thì càng nỗ lực đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tổng công ty phân phối điện càng lỗ.
Thực tế, 6 tháng đầu năm 2022, EVN đã lỗ sau thuế 16.586 tỷ đồng. Dù thực thi một loạt giải pháp như tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên; cắt giảm 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho cán bộ, công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020… EVN vẫn dự kiến lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng năm 2022 nếu giá điện tiếp tục đứng yên.
Thời gian qua, nền kinh tế đã chứng kiến việc giá xăng dầu dù được điều chỉnh theo giá thị trường thế giới với tần suất 10 ngày/lần, nhưng vẫn diễn ra tình trạng khan hiếm nguồn cung, gây khó khăn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp khi các thương nhân kinh doanh mặt hàng này nghỉ bán vì càng bán càng lỗ. Bởi vậy, kiến nghị của EVN về việc khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại theo cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu - tất yếu có cơ sở.
Lý do là việc kìm giữ giá điện quá lâu sẽ khiến EVN càng đảm bảo điện tốt cho nền kinh tế thì càng bị lỗ lớn. Điều này kéo hệ số xếp hạng tín dụng của EVN xuống thấp. Hệ quả là việc vay vốn ngân hàng cho các dự án điện sẽ vô cùng khó khăn và sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước những năm tiếp theo.
Tuy vậy, để có thêm bằng chứng thuyết phục, Bộ Công thương và EVN cần minh bạch và công khai hơn dữ liệu về huy động vận hành hệ thống điện, cùng chi phí liên quan trong việc đưa điện tới người tiêu dùng. Như vậy, dư luận mới không thành kiến mỗi khi ngành điện đề cập chuyện tăng chi phí bởi các yếu tố khách quan.