Ngành du lịch tại Việt Nam đang chứng kiến sự khởi sắc sau đại dịch với số lượng khách nội địa tăng trưởng cao và khách quốc tế đang quay trở lại. Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế, đây là mục tiêu lớn của toàn ngành khi mà số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 không được như kỳ vọng.
Việc thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương. Đối với mỗi công việc được tạo ra trực tiếp trong ngành du lịch, gần 1,5 công việc khác tăng thêm được tạo ra theo một cách gián tiếp hoặc phát sinh, du lịch cũng được coi là ngành xuất khẩu tại chỗ rất hiệu quả cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Thời điểm trước dịch, năm 2019, du lịch tạo hơn 1,3 triệu việc làm trực tiếp, đóng góp 9,2% tổng GDP cả nước (tương đương với 32,8 tỷ USD).
Việt Nam còn nhiều dư địa, giải pháp để du lịch quốc tế phục hồi và vượt lên con số 19 triệu lượt khách quốc tế năm 2019. Có thể kể đến như tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục xuất nhập cảnh; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, các thị trường mới; xây dựng các chuỗi liên kết tạo khả năng cạnh tranh với các nước khác cho từng loại hình du khách; khuyến khích sáng tạo, tận dụng các ý tưởng mới trong phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch…
Để có những thông tin hữu ích cho ngành du lịch và các cơ quan ban hành chính sách, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế”.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế", sáng 22/3. (Ảnh: Chí Cường) |
Tọa đàm có sự tham gia tham luận và thảo luận của các chuyên gia trong và ngoài nước về thực trạng, giải pháp để đưa Việt Nam trở lại hấp dẫn hơn với khách du lịch quốc tế.