Thyssenkrupp và Tata không thể "về một nhà" |
Trước đó vào năm 2017, ThyssenKrupp và Tata đã ký thỏa thuận để đi đến hợp nhất các hoạt động sản xuất thép tại khu vực châu Âu. Mục đích của thương vụ nhằm tạo nên tập đoàn thép lớn thứ 2 tại châu Âu, chỉ sau Tập đoàn ArcelorMittal.
Tại thời diểm đó, cả ThyssenKrupp và Tata đều kỳ vọng thương vụ M&A này sẽ sớm được hoàn tất vào năm 2018, giúp hai bên tiết kiệm được khoản tài chính từ 400 - 600 triệu Euro (khoảng 480 - 720 triệu USD) mỗi năm và cắt giảm khoảng 4.000 việc làm trong khâu quản lý và sản xuất, qua đó tăng sức cạnh tranh trước bối cảnh thép giá rẻ đang "tràn ngập" châu Âu.
Công ty sau M&A dự kiến lấy tên là ThyssenKrupp Tata Steel đặt trụ sở chính tại Hà Lan, góp vốn theo tỷ lệ 50 - 50, được kỳ vọng sản xuất khoảng 21 triệu tấn thép mỗi năm và cho doanh thu khoảng 15 tỷ Euro.
Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, kế hoạch M&A của 2 "ông lớn" ngành thép này sẽ làm giảm tính cạnh tranh và làm tăng giá các loại sản phẩm thép tại thị trường châu Âu.
Bà Margrethe Vestager, Uỷ viên phụ trách cạnh tranh của EU cho biết: "Chúng tôi 'tuýt còi' kế hoạch sáp nhập này nhằm tránh gây phương hại tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu".
Quyết định này đồng nghĩa với việc chấm dứt thỏa thuận sáp nhập nói trên. Qua đó, ThyssenKrupp và Tata sẽ tiếp tục hoạt động như những công ty thép độc lập trên thị trường.
Hiện ngành sản xuất thép tại châu Âu đang gặp khó khăn do áp lực từ lượng lớn thép nhập khẩu giá rẻ chủ yếu từ châu Á (do ảnh hưởng từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump nên số thép đáng lẽ được sản xuất để xuất sang Mỹ lại chuyển hướng đổ về EU với mức giá bán cực thấp) dẫn đến tình trạng dư cung thép, trong khi nhu cầu về thép xây dựng tại châu Âu cũng đang ở mức thấp khiến các nhà sản xuất nội khối vốn đang chật vật lại gặp thêm rắc rối.
Sau lệnh cấm M&A với Tata của Ủy ban châu Âu, Tập đoàn ThyssenKrupp đã quyết định tái cơ cấu lại mảng xuất thép và cho biết quá trình này cũng có thể làm mất đi 6.000 việc làm tại châu Âu, chủ yếu là tại Đức.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019:
- Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.
- Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.
- Diễn đàn có các hoạt động chính: Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; Vinh danh Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; Tiệc tối kết nối đầu tư; Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt – Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.