Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng |
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng TMCP VietinBank sáng nay, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành của Luật hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu với ba nội dung chính.
Thứ nhất, Luật sẽ đưa ra hành lang pháp lý cụ thể đối với các ngân hàng tham gia hỗ trợ, tái cơ cấu hệ thống.
Thứ hai, Luật cũng sẽ giải quyết các vướng mắc trong xử lý nợ xấu hiện nay, đặc biệt là các vướng mắc về thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo nhằm bảo vệ quyền lợi người cho vay. NHNN cũng đã có văn bản gửi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những tồn tại, vướng mắc trong xử lý nợ xấu hiện nay để các đơn vị phối hợp, có hướng xử lý thống nhất.
Thứ ba, Luật sẽ quy định khắt khe, chặt chẽ hơn các quy định liên quan đến sở hữu cổ phần, cổ phiếu để hạn chế tình trạng sở hữu cổ phần ngân hàng cao hơn quy định, sử dụng ngân hàng để phục vụ lợi ích của mình. Các quy đinh, quy chế về an toàn sẽ được tăng cường và đưa vào trong luật.
“Các cá nhân tham gia mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp, hợp lệ, không được sử dụng vốn vay dưới bất cứ hình thức nào. Cá nhân nào vi phạm pháp luật vĩnh viên không được tham gia điều hành quản trị ngân hàng, các quy định này chúng tôi sẽ kiên quyết đưa vào luật”, Thống đốc khẳng định.
Về tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới, người đứng đầu NHNN cho biết thêm, NHNN đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020, đã trình lên Thường trực Chính phủ và được đánh giá cao.
NHNN cũng đã trình Chính phủ và Bộ Chính trị phương án tái cơ cấu 5 ngân hàng, bao gồm 3 ngân hàng 0 đồng và DongABank, Sacombank để triển khai thực hiện ngay trong năm 2017.
Nhìn thẳng vào tồn tại hiện nay của hệ thống ngân hàng, Thống đốc cảnh báo cơ cấu tín dụng còn có nhiều điểm chưa an toàn. Thứ nhất, tín dụng trung, dài hạn vẫn chiếm trên 50% tín dụng toàn hệ thống trong khi huy động vốn trung, dài hạn chỉ chiếm tỷ lệ 13-15%. Có nghĩa, các ngân hàng đang mất cân đối về kỳ hạn. Thứ hai, vẫn còn một phân khúc tín dụng rủi ro cao, nhất là tín dụng bất động sản và tín dụng cho các dự án BT, BOT giao thông.
Được biết, để kiểm soát rủi ro, tới đây, NHNN sẽ siết chặt và nâng cao hệ số rủi ro của các phân khúc tín dụng này, đồng thời sẽ quy định chặt hơn trong việc mua trái phiếu chuyển đổi của DN…