Nhiều dự án ở Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc triển khai thi công xây dựng khi chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, chưa có quyết định thu hồi đất. |
Chưa được giao đất, vẫn san lấp mặt bằng
Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được thành lập từ năm 2003, có 79 dự án đã và đang thực hiện thủ tục đầu tư. Đáng nói là, trong đó, có đến 64 dự án (tổng diện tích gần 945 ha) triển khai chậm trễ, không ít dự án thi công dang dở hoặc “treo” từ nhiều năm nay. Nguyên nhân lớn nhất được nhắc đến là do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB).
UBND thị xã Điện Bàn cho biết, trên địa bàn thị xã hiện có rất nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Bên cạnh những dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, vẫn còn những dự án gặp vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng, nên việc thực hiện kéo dài. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao thị xã Điện Bàn thanh tra đối với 11 dự án chưa được thanh tra về công tác GPMB.
11 dự án khu dân cư, khu đô thị đã được UBND thị xã Điện Bàn thanh tra công tác GPMB gồm: Khu đô thị Phức hợp Hà My; Khu đô thị An Bình Riverside; Khu đô thị Coco Riverside; Khu đô thị Đại Dương Xanh; Khu đô thị Viêm Trung; Khu đô thị Mỹ Gia; Khu đô thị Trung Nam; Khu đô thị số 9 và Khu đô thị số 9 mở rộng; Khu đô thị Bình Ninh - Quảng Lăng; Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư mới 2A (giai đoạn II); Khu dân cư An Cư 1.
Ban đầu, 11 dự án này do Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (trực thuộc UBND tỉnh Quảng Nam) thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, sau đó được chuyển giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn tiếp tục thực hiện công tác này. Tuy vậy, đến nay, cả 11 dự án đều chưa thực hiện xong công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ.
Tiến hành thanh tra, thị xã Điện Bàn đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc thực hiện 11 dự án đô thị này. Các chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng, triển khai thi công xây dựng khi chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ GPMB, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền để thực hiện dự án.
Đơn cử, Dự án Khu đô thị Viêm Trung do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Bàn làm chủ đầu tư đã thực hiện san lấp mặt bằng phần lớn diện tích dự án, xây dựng hạ tầng cơ bản như đường, cống thoát nước…, khoảng 75% diện tích đã bị mất hiện trạng. Diện tích đất bị thu hồi phục vụ cho dự án này là khoảng 3,4 ha. Chủ đầu tư đã chi ứng trước cho các hộ dân bị ảnh hưởng tổng số tiền hơn 4,1 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn và báo cáo của chủ đầu tư, thì Dự án Khu đô thị Viêm Trung chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, do từ năm 2018 đến nay, Dự án không nằm trong danh mục Kế hoạch sử dụng đất của UBND tỉnh Quảng Nam. Mặc dù vậy, chủ đầu tư vẫn tiến hành chi trả tạm ứng cho các hộ dân và san ủi, thi công phần diện tích đã chi trả tiền.
Cách làm “tiền trảm hậu tấu” của chủ đầu tư các dự án đô thị đã khiến công tác GPMB tại nhiều dự án ở Điện Bàn trở nên nan giải. Kết luận thanh tra của thị xã Điện Bàn nêu rõ, việc san lấp mặt bằng, triển khai thi công xây dựng tại các dự án khi chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền để thực hiện dự án đã làm mất hiện trạng cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất của các hộ sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê. Điều đó dẫn đến không thể kiểm tra thực tế, nên không thể thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nhìn nhận, nguyên nhân của những sai phạm trên là do các chủ đầu tư nôn nóng đẩy nhanh xây dựng để đảm bảo tiến độ đã cam kết với UBND tỉnh. Việc gián đoạn kế hoạch sử dụng đất là do phải kiểm tra, rà soát và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 để làm cơ sở ban hành kế hoạch sử dụng đất cho từng dự án. Ngoài ra, do quản lý, thực hiện quá nhiều dự án, trong khi đó, các doanh nghiệp chi tiền ứng trước trực tiếp cho các hộ dân không qua đơn vị làm nhiệm vụ GPMB, nên Trung tâm Giải phóng mặt bằng thị xã Điện Bàn, Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn không thể ngăn cản, kiểm tra, giám sát hết việc san lấp mặt bằng của các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chưa quản lý tốt hiện trạng của các địa phương.
Điểm nóng về khiếu kiện
Căn cứ kết quả thanh tra, UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, các chủ đầu tư 11 dự án đô thị phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong thực hiện công tác bồi thường, GPMB vì đã triển khai thi công khi chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, có một phần trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vì vậy, UBND thị xã Điện Bàn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, thống nhất chủ trương xử lý hành chính, kiểm điểm trách nhiệm đối cán bộ tham gia thực hiện công tác GPMB các dự án trước đây và lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với các đơn vị liên quan.
Thị xã Điện Bàn là điểm kết nối hai cực tăng trưởng Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An, nên trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa tại địa phương này diễn ra khá nhanh với sự góp mặt của hàng loạt dự án đô thị. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án làm ăn bê bối, dẫn đến việc khiếu kiện của người dân, khiến Điện Bàn trở thành điểm nóng về khiếu kiện đất đai. Không chỉ san lấp, thi công khi chưa được cấp phép, nhiều chủ đầu tư còn tổ chức rao bán rầm rộ, dù dự án vẫn còn nằm trên giấy.
Mới đây, vào đầu tháng 3, hàng trăm người dân mua đất tại các dự án đô thị ở Điện Bàn do Công ty cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư lại kéo đến Trung tâm hành chính thị xã Điện Bàn dựng lều, kêu cứu vì đã đóng hơn 95% giá trị hợp đồng, nhưng sau nhiều năm vẫn không nhận được sổ đỏ. Trước đó, họ đã rất nhiều lần kêu cứu chính quyền.
Tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, Công ty cổ phần Bách Đạt An được cấp phép 14 dự án bất động sản, nhưng hầu hết đều chưa đủ điều kiện giao dịch. Gần 1.000 người mua đất tại các dự án của công ty này thường xuyên kéo nhau đi đòi sổ đỏ.
Không riêng dự án của Bách Đạt An, vừa qua, người dân góp vốn, đặt mua đất nền Dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc do Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO làm chủ đầu tư cũng đã gửi đơn kêu cứu tới lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Người dân cho biết, dự án này không vướng GPMB, có điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, song chủ đầu tư đã “phớt lờ” yêu cầu của UBND tỉnh là phải hoàn thành giai đoạn I và II của Dự án trước tháng 6/2021. Người dân góp vốn, đặt mua đất nền đã hơn 12 năm, nhưng chưa biết đến bao giờ mới nhận được đất.
Được biết, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo tập trung tháo gỡ những vướng mắc tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao UBND thị xã Điện Bàn chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện các dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Đối với những dự án gặp vướng mắc GPMB kéo dài, không có tính khả thi thực hiện, nhà đầu tư không có năng lực hoặc thiếu trách nhiệm phối hợp với địa phương trong GPMB thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết. Phần diện tích tập trung đông dân cư giao lại cho UBND thị xã Điện Bàn sắp xếp, chỉnh trang khu dân cư, có sự hỗ trợ của nhà đầu tư.
Đối với những dự án đang GPMB dở dang mà nhà đầu tư không có khả năng tiếp tục thực hiện, thì đề xuất thu hồi, chuyển sang mục đích công cộng, trồng cây xanh và các tiện ích xã hội khác.