Điểm nóng
Loay hoay quản lý xe điện
Anh Minh - 01/09/2014 13:43
Hơn 2 triệu xe điện chưa được đăng ký, quản lý theo quy định cả về chất lượng cũng như số lượng đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ôtô 'điên' gây tai nạn liên hoàn, người dân phẫn nộ truy đuổi
Chưa xe máy điện nào được đăng ký biển số
Xử phạt xe máy điện không gắn biển kiểm soát
Xe đạp điện nhập lậu làm đau đầu nhà quản lý
DKbike muốn sản xuất xe điện "made in Việt Nam"
Báo động xe đạp điện "tàu" không rõ nguồn gốc
“Xe không khói” Trung Quốc khuấy đảo thị trường Việt

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG), trong 7 tháng đầu năm, tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm cả 3 tiêu chí, nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là liên quan đến xe 2 bánh.

   
  Đến nay trong tổng số hơn 2 triệu xe lưu hành trên cả nước nhưng mới chỉ có 70 xe máy điện được đăng ký. Ảnh: Đức Thanh  

“Ttheo một thống kê chưa đầy đủ, có tới 80% số vụ tai nạn liên quan đến người điều khiển phương tiện xe 2 bánh có động cơ như xe điện, xe hai bánh… Bởi vậy, việc kéo giảm tai nạn là cần thiết, vì đa số người đi xe này có độ tuổi dưới 18 và hầu như là họ tham gia giao thông không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí đi đường không có trật tự,” ông Hùng đánh giá.

Trong một bản thăm dò của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong quý II/2014 cho thấy, hơn 87% người sử dụng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Trong khi đó, mũ bảo hiểm chất lượng tốt và được cài đúng cách, người điều khiển xe có thể làm giảm chấn thương đầu gây tử vong tới 42% và chấn thương đầu nghiêm trọng tới 69%.

Tiến sĩ Gabit Ismailov, Phó trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, với việc xe đạp điện trở nên ngày càng phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm rất thấp đã cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề tương tự như Trung Quốc.

Trong khi đó, dù từ năm 2009, Bộ Công an đã quy định, xe máy điện phải đăng ký, gắn biển số như mô tô, xe gắn máy, nhưng theo đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67 – Bộ Công an) cho biết, sau 5 năm triển khai, đến nay cả nước  mới chỉ có… 70 xe máy điện được đăng ký!

Đại tá Tuấn cho biết thêm, từ năm 2009 đến hết tháng 5/2014, Tổng cục Hải quan đã làm thủ tục nhập khẩu cho 61.329 xe 2 bánh chạy điện, trong đó có 1.564 xe máy điện. Tuy nhiên, có khoảng hai triệu xe hai bánh chạy điện nhập khẩu không chính ngạch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến đầu tháng 8/2014, cơ quan này mới kiểm tra và cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật cho 780 xe máy điện và 24.290 xe đạp điện. Như vậy, thực tế hiện nay còn rất nhiều xe hai bánh chạy điện chưa được đăng ký, quản lý theo quy định cả về số lượng lẫn chất lượng.

Hiện vấn đề phân biệt đâu là xe đạp điện, xe máy điện đang làm đau đầu cơ quan chức năng, bởi lẽ, do quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2011/BGTVT về xe máy điện và QCVN 68:2013/BGTVT về xe đạp điện của Bộ GTVT còn thiếu các quy định chi tiết về kết cấu, bộ phận xe. Cụ thể, quy chuẩn kỹ thuật về xe máy điện quy định xe máy điện có công suất lớn nhất không hơn 4 kW, vận tốc không hơn 50 km/h; quy chuẩn về xe đạp điện quy định xe có công suất lớn nhất không hơn 250 W, có vận tốc không lớn hơn 25 km/h, khối lượng không hơn 40 kg.

“Nhiều xe máy điện được lắp thêm bàn đạp vào để trở thành xe đạp điện, nhưng các chỉ tiêu về công suất, tốc độ không đổi. Họ làm vậy để dễ thông quan, trốn đăng ký và kiểm soát tại cửa khẩu”, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải.

Theo Đại tá Tuấn, hiện Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe của Bộ Công an đã quy định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được thực hiện quyền chủ sở hữu phương tiện. Tuy nhiên, Bộ Công an cũng không thể tự mình vi phạm pháp luật khi chấp nhận đăng ký cho các phương tiện xe máy điện không có chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật, không được nộp thuế theo quy định”, Đại tá Tuấn khẳng định. Nhằm ngăn chặn kịp thời tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, C67 đề nghị có quy định cụ thể về đối tượng sử dụng loại phương tiện này, nhất là xe máy điện, đồng thời tăng cường xử phạt hành chính người điều khiển và người ngồi trên xe đạp điện, xe máy điện vi phạm trật tự an toàn giao thông và các quy tắc giao thông.

Bà Lê Minh Châu, Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải) kiến nghị, Ủy ban ATGTQG cần xây dựng một chương trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức về an toàn giao thông đường bộ đối với người sử dụng xe điện 2 bánh; tăng cường kiểm soát chất lượng xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải tuân thủ quy định về tốc độ và yêu cầu kỹ thuật.

Để siết chặt công tác quản lý đối với các loại phương tiện này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ chỉ đạo kiểm đếm xe máy điện ngay từ trong đơn vị nhập khẩu.

“Từ ngày 1/7/2015, xe máy điện tham gia giao thông không có biển số sẽ bị phạt như xe máy không biển”, lãnh đạo Ủy ban ATGTQG khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác