Tuy nhiên, không ít nhà băng vẫn chờ được nới room tín dụng để có dư địa đẩy mạnh cho vay.
Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, ngân hàng thương mại... |
Ngân hàng xác định cụ thể từng khoản vay được hỗ trợ lãi suất
Là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai hỗ trợ lãi suất 2% theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, lãnh đạo Agribank cho biết, Ngân hàng chính thức triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế áp dụng đối với các thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5/2022 đến ngày 31/12/2023.
Theo chia sẻ của Phó tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng, từ trước đến nay, Agribank thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ lãi suất như cho vay hỗ trợ nhà ở, giảm tổn thất sau thu hoạch..., nên đã có nhiều kinh nghiệm triển khai. Tuy nhiên, trong điều kiện gói hỗ trợ lãi suất chỉ ở mức 40.000 tỷ đồng cho cả ngành ngân hàng, riêng đối với Agribank được phân bổ 5.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm 2022-2023, nên số dư nợ cũng như số lượng khách hàng được tiếp cận có giới hạn.
Nhưng nhờ sớm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thực hiện tốt chương trình, tính từ thời điểm khách hàng được hỗ trợ lãi suất đến nay, Agribank đã giải ngân được 100.000 tỷ đồng cho các đối tượng được thụ hưởng từ đợt hỗ trợ lãi suất lần này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quân, quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, để triển khai hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng thực hiện đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ, khả năng phục hồi theo quy định, như tại thời điểm hỗ trợ lãi suất, khách hàng không có nợ nhóm 2 trở lên; không có nợ gốc hoặc lãi quá hạn tại thời điểm hỗ trợ lãi suất. Nếu khoản vay của khách hàng thuộc trường hợp cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nhóm nợ tiềm ẩn phải là nhóm 1.
ABBank xác định, việc kiểm soát sử dụng vốn đúng mục đích là công tác quan trọng khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Theo đó, Ngân hàng sẽ xác nhận cụ thể từng khoản vay được hỗ trợ lãi suất đối với từng khách hàng, theo dõi và báo cáo định kỳ theo đúng quy định của Thông tư 03/2022/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, ABBank sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát sau vay, nhằm kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay đúng quy định, xác định đúng số tiền được hỗ trợ lãi suất, kịp thời phát hiện các trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất (nếu có) và điều chỉnh đúng quy định.
Trước đó, tháng 6/2022, ABBank đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất với NHNN. Trong năm 2022, NHNN đã chấp thuận cho ABBank sử dụng hạn mức hỗ trợ lãi suất là 264 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6/2022 của ngân hàng này là 85.370 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm 2021. Dự kiến, đối tượng được hưởng ưu đãi lãi suất 2% chiếm khoảng 15% tổng dư nợ của ABBank.
Mong được nới room
Theo kế hoạch dự kiến, mức chi ngân sách hỗ trợ cho năm 2022 khoảng 16.035 tỷ đồng và năm 2023 là 23.965 tỷ đồng. NHNN cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại để triển khai sớm chính sách. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các ngân hàng thương mại sớm triển khai chính sách, NHNN đã tiếp nhận, tổng hợp, giải đáp tất cả các câu hỏi, thắc mắc dưới mọi hình thức, cả bằng văn bản và qua trao đổi trực tiếp, trao đổi qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử.
Trong khi đó, nhiều nhà băng đã cạn room tín dụng, nên kỳ vọng sớm được NHNN nới thêm để có dư địa đẩy mạnh cho vay, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2% dịp cuối năm. Lãnh đạo một số ngân hàng lo ngại, việc room tín dụng hạn chế có thể khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% bị chậm lại, nên mong sớm được nới.
Ông Phạm Huy Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhận định, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất là rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, góp phần giảm chi phí đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ do trong 2 năm dịch diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp bị ngừng sản xuất, giảm quy mô…, nên khó tránh khỏi nợ xấu hay chuyển nhóm nợ, không đủ điều kiện tham gia nhóm được hỗ trợ. Về thực thi, ông Hùng đề xuất các ngân hàng cần nhanh chóng hơn trong việc xét duyệt, song việc một số ngân hàng đã kịch room hoặc còn rất ít room tín dụng, khiến việc thực hiện các khoản vay mới, vay ưu đãi khó khăn hơn.
Chia sẻ vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN cho hay, việc áp dụng hỗ trợ lãi suất không chỉ cho các khoản vay mới, mà là cho tất cả khoản vay đủ điều kiện giải ngân từ đầu năm. Số liệu của NHNN cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay đối với 8 đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất 2% đã lên tới 2,8 triệu tỷ đồng - con số không nhỏ. Chương trình hỗ trợ lãi suất lần này có quy mô lớn, triển khai trên toàn quốc, số lượng ngân hàng thương mại tham gia nhiều, nên để thực hiện thành công, có sức lan tỏa đến toàn nền kinh tế, cùng với NHNN, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, ngân hàng thương mại, khách hàng...