Thông tin trên được Chủ tịch HĐQT Lộc Trời chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn trong buổi khởi động thực hiện chương trình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP của Tập đoàn này tại Việt Nam trong 2 năm tới.
Ngoài kế hoạch niêm yết vào tháng 5/2017, Lộc Trời dự định cũng tăng vốn sau khi lên sàn. Ngoài ra, Lộc Trời cũng vừa khởi động chiến lược thứ hai của mình khi tham gia sản xuất cà phê rang xay với 4 loại Ngọc Linh, Măng Đen, Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời cho biết, chiến lược này có 2 giai đoạn. Một là ra quy trình để tái canh cà phê, sau đó, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê và đưa sản phẩm ra thăm dò thị trường.
Đại diện Lộc Trời và một số đơn vị cắt băng khởi động chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP tại Việt Nam. |
“Chúng tôi làm cà phê rang xay cũng giống như chiến lược làm cây lúa, đó là triển vọng rất lớn. Khát vọng thì luôn muốn làm lớn, làm nhiều. Nhưng chiến lược với cà phê rang xay thì đang hình thành và chuẩn bị, chưa thể công bố. Dù làm gì thì chúng tôi cũng quan niệm là làm thiệt, làm chắc thì sẽ đạt mục tiêu”, ông Huỳnh Văn Thòn nói.
Đại diện này cũng cho biết, Lộc Trời đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên doanh số và lợi thuận năm 2016 dù có giảm nhưng cũng không phải mục tiêu quan trọng của Tập đoàn mà là xây dựng lại bộ máy. Năm 2016, cơ cấu doanh thu của Lộc Trời chủ yếu đến từ giống, thuốc BVTV, hữu cơ sinh học chiếm trên 60%. Cơ cấu này cũng sẽ thay đổi, chú trọng vào các mặt hàng như cây ăn trái, cà phê… trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong 2 năm tới, Tập đoàn này sẽ phối hợp cùng Tổ chức quốc tế IFC (thành viên của Ngân hàng thế giới) triển khai sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP trên diện tích 6.000 ha.
Ông Văn Thòn cho biết, hoạt động này sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, truy xuất được nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị lúa gạo cũng như thương hiệu gạo của Việt Nam. Chương trình sẽ mang lại lợi ích cho nông dân cả trong ngắn và dài hạn, nhưng cũng là sự đánh đổi rất lớn khi buộc người dân thay đổi thói quen canh tác theo 46 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn.
Hoạt động này mới khởi động và thử nghiệm với 400 nông dân, 150 ha vàmục tiêu phải liên kết được 4.000 hộ (chủ yếu là các nông hộ nhỏ, dưới 5ha ), với khoảng 6.000 ha. Bộ tiêu chuẩn SRP này khá đồng bộ với tiêu chí sản xuất lúa gạo mà Lộc Trời đã áp dụng, vì vậy ông Thòn khẳng định, việc đạt con số trên là không quá khó.
“Sự thay đổi phải có quá trình và thời gian. Nông dân nào sản xuất lúa gạo theo bộ tiêu chuẩn này sẽ được Lộc Trời mua giá cao hơn 200 đồng so với ngoài thị trường, cộng thêm 300 đồng nhờ cắt giảm chi phí đầu tư theo bộ tiêu chuẩn. Dự kiến trong 2 năm, chương trình không chỉ triển khai ở khu vực ĐBSCL mà còn một số tỉnh phía Bắc. Khi đó, gạo đã có thương hiệu sẽ không chỉ tiêu thụ trong nước”, ông Thòn cho biết.
Theo đó, IFC sẽ hỗ trợ Lộc Trời thực hiện sản xuất lúa gạo theo bộ tiêu chuẩn của Diễn đàn lúa gạo Bền vững quốc tế (SRP) dưới sự tham gia điều phối về kỹ thuật của các nhà khoa học đến từ Viện Lúa quốc tế IRRI.
Điểm khó khăn nhất để thực hiện chương trình là nâng cao nhận thức người nông dân về sản xuất lúa gạo bền vững. Do đó, Tập đoàn sẽ đầu tư cả cở sở vật chất để hỗ trợ cho nông dân. Sự hợp tác của nông dân cũng gián tiếp đóng góp và cải thiện năng lực sản xuất lúa gạo của cả nước.