Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã tham gia khoảng 20 ngành, nghề tại Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy của GE tại Hải Phòng. Ảnh: GE |
Việt Nam đã trở thành “hiện tượng” đối với nhà đầu tư
Mặc dù đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến việc di chuyển giữa các quốc gia, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với ông Adam Boehler, Tổng giám đốc Cơ quan Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) cùng đoàn chính khách, doanh nghiệp Hoa Kỳ. Chuyến công tác đến Việt Nam trong tuần này là lần thứ hai ông Adam Boehler đến Việt Nam trong năm 2020.
“Việt Nam gần đây đã trở thành hiện tượng của cộng đồng các nhà đầu tư”, vị doanh nhân Hoa Kỳ chia sẻ như vậy với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong buổi tiếp đầu tuần này tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Phái đoàn của Hoa Kỳ đến Việt Nam vào thời điểm khó khăn hiện nay thể hiện thiện chí, quyết tâm của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước thông qua hoạt động thương mại, đầu tư, đặc biệt là trong thời điểm kỷ niệm 25 năm quan hệ hai nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đáp từ.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, Hoa Kỳ hiện đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn trên 9 tỷ USD. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã tham gia khoảng 20 ngành, nghề tại Việt Nam, với những dự án lớn của các tập đoàn có tên tuổi như Murphy Oil, Chevron, Intel, Nike, Coca Cola, Procter and Gamble...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, đầu tư của DFC nói riêng và các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói chung còn khiêm tốn, chưa tương xứng với năng lực của doanh nghiệp, cũng như tiềm năng hợp tác, quan hệ giữa hai nước.
“Tại sao chúng ta không đẩy mạnh đầu tư để mang lại lợi ích cho cả hai phía? Chúng ta hợp tác chặt chẽ với nhau thông qua đầu tư sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại, thông qua các hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề.
Đồng tình với quan điểm này, ông Adam Boehler cho biết, ông mong muốn được tìm hiểu các dự án hạ tầng quan trọng mà Hoa Kỳ có thể tài trợ, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam.
Nhiều dư địa mở rộng hợp tác
Đi sâu phân tích, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hạ tầng giao thông (gồm các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam, sân bay Long Thành, cụm cảng biển Vân Phong…), an ninh nguồn nước là những lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư.
Hai vấn đề được Bộ trưởng Dũng đặc biệt nhấn mạnh, “được coi là động lực cho giai đoạn tới giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng trong thời gian tới” là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục đào tạo nhân lực.
“Đây là nguồn lực quý giá của Việt Nam, là động lực, mục tiêu hướng tới để trỗi dậy. Muốn làm được vấn đề này không thể thiếu sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đây là cơ hội tốt để hiện thực hóa giấc mơ này, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Về phần mình, ông Adam Boehler cho biết, hạ tầng cũng là lĩnh vực mà DFC mong muốn tham gia đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.
Bà Kimberly Reed, Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ cho hay, ngân hàng này mong muốn nhận được các nhu cầu từ Việt Nam để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam trong lĩnh vực 5G, nông nghiệp chất lượng cao… “Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam”, bà nói.
Nhấn mạnh thông điệp về mong muốn phát triển danh mục đầu tư của DFC tại Việt Nam, ông Josh Cartin, Giám đốc quản lý khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương DFC cho biết, mục tiêu của DFC là thu hút sự tham gia của nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam.
DFC đang triển khai các hoạt động để hiện thực hóa mục tiêu trên. Đó là bổ sung nhân sự về tài trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để thúc đẩy và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư với Việt Nam; khai thác các hoạt động đầu tư ở Mekong, biến các thương vụ thành cơ hội đầu tư và hợp tác chặt chẽ với các đối tác để tăng cường hiện diện tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để Hoa Kỳ “thăng tiến” hơn trong danh sách các nhà đầu tư tại Việt Nam, cần cụ thể hóa, đặt mục tiêu nhỏ để tiến dần lên mục tiêu, nấc thang lớn hơn. “Về danh mục dự án, với các dự án đang nghiên cứu, chuẩn bị, cần đẩy nhanh tiến độ. Chính phủ Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ và sẵn sàng đồng hành cùng các bạn. Với danh mục dự án mới, chúng tôi sẵn sàng trao đổi để xác định, xây dựng dự án cụ thể”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.