Tín hiệu thuận
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Ban Cán sự Đảng bộ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đang chuẩn bị hoàn tất Báo cáo Tình hình hoạt động và Tái cơ cấu tài chính của 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư, để có thể trình Bộ Chính trị.
Dự án TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong những cao tốc do VEC là chủ đầu tư. |
Trước đó, tại Nghị quyết số 104/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép VEC được tiếp tục thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC là chủ đầu tư là Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong số này, 4 dự án sử dụng vốn vay ODA và OCR (là Nội Bài - Lào Cai; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
“Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị và cấp có thẩm quyền theo quy định”, Nghị quyết số 104 nêu rõ.
Cần phải nói thêm, tại Quyết định số 2072, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển toàn bộ số vốn ODA tại 5 dự án đang được thực hiện theo hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp; số vốn 2.500 tỷ đồng đã được ngân sách nhà nước (NSNN) ứng cho 2 dự án: Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai được chuyển thành vốn NSNN đầu tư trực tiếp cho dự án; số vốn 4.399,7 tỷ đồng trái phiếu công trình được Chính phủ bảo lãnh đã phát hành cho Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai cùng các khoản lãi phát sinh cũng được Nhà nước tiếp nhận và chuyển thành vốn NSNN đầu tư trực tiếp.
Các khoản vốn vay OCR/IBRD từ các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại 5 dự án vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế vay lại theo quy định hiện hành. VEC thực hiện thu phí các dự án để trả nợ phần vốn vay thương mại này.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, căn cứ Quyết định số 2072 và sau khi cập nhật lại giá trị đầu tư 5 dự án, Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư của 5 dự án. Theo đó, phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại 5 dự án là 71.603 tỷ đồng (chiếm 57%), vốn do VEC thực hiện huy động là 53.969 tỷ đồng, chiếm 43% tổng mức đầu tư các dự án.
Bên cạnh đó, cùng với việc đề xuất điều chỉnh tăng vốn điều lệ theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Văn bản số 2393/TTg - KTTH ngày 30/12/2015) lên 72.602 tỷ đồng vào năm 2019, VEC cũng đã xây dựng và được Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính với điểm nhấn là cơ chế hòa chung dòng tiền của 5 dự án để hỗ trợ cho nhau khi thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu hụt tạm thời.
Đây là cơ chế được đánh giá là giúp VEC vừa chủ động được tài chính, vừa xác lập hoạt động của đơn vị này được vận hành theo đúng tính chất của một doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, về bản chất, VEC là tổng công ty nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư hệ thống đường cao tốc quốc gia, nên việc Nhà nước tham gia góp vốn trực tiếp, dù với khối lượng rất lớn, vẫn không làm thay đổi tính chất của các dự án, cũng như tỷ lệ nợ công.
Đại diện VEC cho biết, nếu không có Quyết định 2072, các nguồn thu phí của các dự án không đủ để trả nợ các khoản vay đến hạn, nhiều dự án không xác định được điểm hòa vốn. Trong trường hợp đó, Nhà nước phải trả nợ phần thiếu hụt và VEC đương nhiên sẽ rơi vào tình trạng phá sản.
Kiên trì gỡ vướng
Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC cho biết, Nghị quyết 104 đã mang lại tín hiệu rất thuận lợi để tổng công ty tiếp tục thực hiện sứ mạng là đầu tàu xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia.
Tuy nhiên, để VEC được tiếp tục thực hiện Quyết định số 2072, đơn vị này vẫn còn phải vượt qua 2 vướng mắc về cơ chế rất lớn khác. Đó là Nghị quyết số 07-NQ/TƯ ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước quản lý nợ công và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo ông Mai Tuấn Anh, mặc dù các nghị quyết nêu trên không ghi các điều khoản hồi tố, song thực tế việc quyết toán phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án của VEC rất khó khăn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính không thể đưa vào dự toán NSNN các năm. Điều này dẫn đến hàng loạt vướng mắc về pháp lý cũng như cơ chế hoạt động khi thực hiện các dự án đang triển khai (như kế hoạch giao vốn, ký hiệp định vay phụ) và đầu tư các dự án mới.
Đỉnh điểm vướng mắc này là việc Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án, trong khi chờ cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển từ cơ chế cho vay lại nguồn ODA sang cơ chế cấp phát, yêu cầu VEC tạm ứng phê duyệt giải ngân toàn bộ nguồn vốn ODA thuộc 4 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.
Đây cũng là lý do khiến việc giải quyết các vướng mắc của VEC cần thêm sự đồng thuận ở Bộ Chính trị và Quốc hội. Được biết, trong trường hợp Ban Cán sự Đảng Chính phủ được Bộ Chính trị cho phép tiếp tục triển khai Quyết định số 2072, Chính phủ sẽ tiến hành báo cáo Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương Nhà nước đầu tư vào các dự án đường cao tốc VEC là chủ đầu tư, bao gồm việc chuyển đổi vốn vay nước ngoài từ cho vay lại sang cấp phát NSNN và NSNN trả nợ gốc cùng lãi trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh.
“Nếu qua được 2 cửa ải quan trọng này, VEC mới có thể khẳng định được ‘sự tồn tại’, trước khi tính đến việc tiếp tục huy động vốn để đầu tư vào các dự án đường cao tốc khác”, một chuyên gia nhận định.