Những doanh nghiệp khốn đốn vì đại dịch
Giãn cách xã hội diễn ra tại 19 tỉnh, thành phía Nam từ ngày 19/7/2021 khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh tháng 7/2021. Nhựa Bình Minh (HoSE:BMP) là một trong số đó. Trong tháng 7, sản lượng bán hàng của Nhựa Bình Minh giảm 44%; doanh thu giảm gần 39% so với cùng kỳ năm trước. Lần đầu tiên trong lịch sử, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận âm 3,7 tỷ đồng tháng 7.
Nhựa Bình Minh lần đầu tiên ghi nhận lỗ trong tháng 7 do ảnh hưởng của giãn cách xã hội. |
Lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho hay, nửa sau tháng 7/2021, hoạt động kinh doanh của công ty bị sa sút nghiêm trọng trước các biện pháp giãn cách, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn do không phải sản phẩm thiết yếu. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào lại tăng mạnh. Sau 7 tháng, Nhựa Bình Minh mới thực hiện 23% kế hoạch lợi nhuận năm. Cổ phiếu BMP đang giảm sâu khi dự báo doanh thu thuần tháng 8/2021 sẽ chỉ bằng 1/7 so với tháng 7/2020 do giãn cách xã hội ngày càng siết chặt.
Một doanh nghiệp nữa cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch là CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ). Đến cuối tháng 7/2021, PNJ phải tạm đóng 274 cửa hàng trên toàn hệ thống để thực hiện nghiêm chỉnh việc giãn cách xã hội. Hậu quả là trong tháng 7, công ty sụt giảm 62,6% doanh thu, lỗ 32 tỷ đồng.
Trong khi đó, Thế giới di động (HoSE: MWG) dù có sự tăng trưởng như vũ báo của Bách hóa Xanh vẫn không bù đắp được sự sụt giảm của chuỗi cửa hàng Thế giới di động và Điện máy Xanh.
Cụ thể, trong tháng 7/2021, chuỗi Bách Hóa Xanh lại ghi nhận kỷ lục doanh số 4.240 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng trước đó do người dân đổ xô mua lương thực, thực phẩm tích trữ. Tuy vậy, chuỗi cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh lại có gần 2.000 cửa hàng (chiếm khoảng 70% tổng số điểm bán trên toàn quốc) phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng trong nửa cuối tháng 7. Chính vì vậy, trong tháng 7, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty chỉ đạt 231 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng phải kêu cứu, dù doanh thu lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng trưởng tốt. Nguyên nhân là dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội lan rộng khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, khiến tồn kho của nhà máy tăng vọt. Riêng trong tháng 7 vừa qua, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tồn khoảng 230.000 m3. Đặc biệt, hàng tồn kho tăng rất nhanh trong giai đoạn cuối tháng 7 đến đầu tháng 8. Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, tại nhà máy của BSR đang tồn trên 200.000 m3 (1,2 triệu thùng) sản phẩm xăng dầu các loại và gần 400.000 m3 dầu thô (2,4 triệu thùng).
Từ ngày 3/8/2021, BSR đã giảm công suất nhà máy xuống còn 90%, đồng thời gửi kho 25.000 m3 xăng và có kế hoạch gửi thêm khoảng 100.000 - 120.000 m3 ngay trong tháng 8, để đảm bảo duy trì vận hành nhà máy. Tuy vậy, theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, BSR vẫn đang đứng trước nguy cơ hết chỗ chứa, phải dừng hoạt động Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, mặc dù đơn hàng vẫn tăng trưởng khá tốt, nhưng những doanh nghiệp nằm tại địa bàn các tỉnh phía Nam lại đang có nguy cơ đánh mất cơ hội do dịch bệnh.
Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) cho hay, tháng 7/2021, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm tới 47% so với cùng kỳ, dù doanh thu chỉ giảm 3%. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh phức tạp, Công ty thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao so với cùng kỳ. Lợi nhuận 7 tháng đầu năm của TCM giảm so với năm ngoái, một phần con do năm nay công ty không có đơn hàng khẩu trang.
Kể cả doanh nghiệp có triển vọng nửa cuối năm rất tốt như cảng biển cũng không tránh khỏi ảnh hưởng dịch bệnh trong tháng 7/2021. Cụ thể, trong tháng 7 vừa qua, Công ty Gemmadept (HoSE: GMD) thông báo doanh thu thuần vẫn tăng 16%, song lợi nhuận trước thuế giảm tới 6%, chủ yếu do giá vốn hàng hóa tăng mạnh khiến biên lãi gộp giảm, chi phí tài chính và chi phí bán hàng bán hàng tăng mạnh.
Doanh nghiệp nhiều ngành vẫn sống khỏe
Trong khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhiều ngành hàng không thiết yếu gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội diện rộng, thì không ít doanh nghiệp ngành thép, hạ tầng, công nghệ, doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu… vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt trong tháng 7/2021.
Theo báo cáo của Vinamilk, trong tháng 7/2021, doanh thu nội địa công ty mẹ của Vinamilk tăng 6% so với cùng kỳ, một phần nhờ người tiêu dùng tích trữ các sản phẩm sữa trong bối cảnh Việt Nam tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội.
Masan chưa công bố kết quả kinh doanh tháng 7, song theo nhận định của Fiin, Masan đang được hưởng lợi ngắn hạn nhờ nhu cầu mua nhu yếu phẩm tại các siêu thị tăng mạnh do chợ truyền thống bị đóng cửa khi nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Theo ước tính của Fiin, lợi nhuận thuần quý III của Masan dự kiến đạt 1.200 tỷ đồng so với mức lỗ 29 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh trong quý III/2020 nhờ mảng sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm và bán lẻ dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh.
Với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, tình hình cũng khá sáng sủa khi nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh. Trong tháng 7/2021, doanh thu xuất khẩu của Thủy sản Vĩnh Hoàn tăng 21% so với cùng kỳ và tăng 7% so với tháng trước. Doanh thu xuất khẩu ghi nhận tăng ở tất cả thị trường. Trong đó, thị trường Mỹ tiếp tục tăng 31%, châu Âu tăng 14%, Trung Quốc tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Sa Giang (HNX: SGC) - công ty con của Vĩnh Hoàn cũng có doanh thu tháng 7 tăng 50%.
Mặc dù đang đối mặt với khó khăn do thiếu container, cước vận tải tăng mạnh và phương thức sản xuất 3 tại chỗ khiến đơn vị chỉ hoạt động được 65% công suất, song triển vọng thị trường xuất khẩu tăng mạnh trong quý IV/2021 khiến khả năng doanh thu, lợi nhuận cả năm của Vĩnh Hoàn tăng trưởng khả quan.
Làm ăn khấm khá nhất trong tháng 7/2021 và 7 tháng đầu năm là các doanh nghiệp thép. Sau khi báo lãi khủng 6 tháng đầu năm, mới đây, hàng loạt doanh nghiệp thép tiếp tục công bố lợi nhuận khả quan tháng 7/2021, chủ yếu nhờ xuất khẩu.
Nhu cầu và giá thép thế giới tăng mạnh khiến doanh nghiệp ngành thép hưởng lợi |
Theo Báo cáo của Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), trong tháng 7/2021, tiêu thụ thép của Tập đoàn này tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu tăng 97% và lợi nhuận sau thuế tăng 124% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chính là nhờ xuất khẩu tôn mạ tăng mạnh. Trong tháng 7/2021, Hoa Sen bán ra gần 158.000 tấn tôn mạ, trong đó xuất khẩu lên tới 123.000 tấn, chiếm 41% tổng xuất khẩu của ngành và chiếm 67% cơ cấu sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen trong tháng 7.
Công ty Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) cũng thông báo kết quả kinh doanh sáng sủa trong tháng 7/2021 doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của tháng lần lượt tăng 26% và 41% so với tháng trước đó. Lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thép Tiến Lên đạt 2.710 tỷ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 7 tháng của công ty đã đạt 355 tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch năm, chủ yếu nhờ hưởng lợi do giá thép tăng cao.
Cũng hưởng lợi do giá nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng cao là ngành than. Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), trong tháng 7/2021, Vinacomin ghi nhận doanh gần 10.600 tỷ đồng. Như vậy sau 7 tháng, Tập đoàn đã thực hiện được 60% kế hoạch doanh thu năm. Trên thị trường thế giới, nhu cầu và giá than đang tăng mạnh tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Giá than đang quay lại mức đỉnh năm 2011. Theo dự báo, giá than sẽ còn tăng mạnh đến hết năm nay.
Trong lĩnh vực hạ tầng và bất động sản, nhiều doanh nghiệp vẫn có lãi trong tháng 7/2021 nhờ nằm ở địa bàn ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo công bố thông tin của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ), tháng 7/2021, công ty đạt doanh thu 109 tỷ đồng, bằng 47% tổng doanh thu quý 2; lợi nhuận trước thuế ghi nhận đạt 21,5 tỷ đồng, tương đương 32,57% lợi nhuận trước thuế cả quý 2/2021. Phần lớn doanh thu của IDJ đến từ hoạt động bán hàng dự án Apec Mandala Wyndham Hải Dương và Apec Diamond Park Lạng Sơn, phần còn lại đến từ mảng cho thuê TTTM, văn phòng, thi công xây dựng…
Trong lĩnh vực công nghệ, hạ tầng công nghệ, Công ty Viettel Construction (CTR) ghi nhận tăng trưởng doanh thu tháng 7 tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 7, khối thị trường nước ngoài của Viettel Construction tăng trưởng mạnh tới gần 73% so với cùng kỳ (mạnh nhất là thị trường Myanmar). Ngoài ra, doanh thu của công ty còn tăng mạnh nhờ sự đóng góp của lĩnh vực hạ tầng cho thuê, vận hành khai thác, xây dựng...
“Đại gia” công nghệ khác là Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) cũng nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của dịch bệnh. Tính riêng tháng 7, FPT có doanh thu 2.774 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 492 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,1% và 13,3% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng, công ty có doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 19,1% và 19,8%.
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu thép, bán lẻ, bất động sản và bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, bán lẻ, thủy sản, dệt may… đang thu hút dòng tiền khá tốt, nhờ trụ vững trong đại dịch và có triển vọng kinh doanh sáng sủa.