Chứng khoán Vietcap vừa công bố Báo cáo phân tích Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. Trong đó, đơn vị phân tích dự báo doanh thu và lợi nhuận sẽ đi lùi trong năm 2024 nhưng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2025 và năm 2026.
Năm 2025, ước tính Kinh Bắc ghi nhận doanh thu tăng 150,8%, lên 8.145 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 108,8%, lên 2.030 tỷ đồng; và năm 2026, ước tính doanh thu tiếp tục tăng 32,3%, lên 10.776 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 58,8%, lên 3.223 tỷ đồng.
Chứng khoán Vietcap dự báo kết quả kinh doanh Kinh Bắc giai đoạn 2024-2026. |
Chứng khoán Vietcap dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2025 tăng mạnh chủ yếu nhờ triển vọng bán hàng và bàn giao mới tại Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 và Khu đô thị Phúc Ninh, cùng với doanh số cho thuê hiện tại ở các Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung đang hoạt động.
Đơn vị phân tích dự báo doanh số cho thuê đất khu công nghiệp năm 2025 của Kinh Bắc sẽ phục hồi lên mức 135 ha từ mức cơ sở thấp dự kiến trong năm 2024 là 59 ha.
Kết quả này chủ yếu đến từ việc đưa vào hoạt động Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (khoảng 50 ha), các cụm công nghiệp tại Hưng Yên (khoảng 10 ha), và các Khu công nghiệp tại Long An (Tân Tập và Lộc Giang, khoảng 10 ha). Đồng thời công ty tiếp tục ghi nhận thêm doanh số cho thuê tại Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (khoảng 50 ha) và Khu công nghiệpTân Phú Trung (khoảng 15 ha).
Chứng khoán Vietcap ước tính Kinh Bắc đang sở hữu khoảng 1.300 ha đất cho thuê (không bao gồm Tràng Duệ 3 và các dự án Khu công nghiệp hiện đang được đưa vào hoạt động) tại các Khu công nghiệp cấp 1.
Lãi 267,94 tỷ đồng trong quý II/2024
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2024, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 891,73 tỷ đồng, giảm 61,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 267,94 tỷ đồng, giảm 73,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 70,8%, về còn 52,1%.
Ngoài ra, trong kỳ, việc doanh thu suy giảm và biên lợi nhuận gộp thu hẹp dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 71,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1.189,08 tỷ đồng, về 464,65 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 20,2%, tương ứng giảm 27,62 tỷ đồng, về 109,3 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 64,2%, tương ứng giảm 99,22 tỷ đồng, về 55,38 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 52,8%, tương ứng giảm 185 tỷ đồng, về 165,68 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý II mặc dù Công ty đã tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm tới 73,5%, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu giảm mạnh và biên lợi nhuận gộp thu hẹp.
Ông Phạm Phúc Hiếu, Phó tổng giám đốc Kinh Bắc lý giải kinh doanh lao dốc trong quý II do trong kỳ này công ty giảm ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp so với cùng kỳ.
Luỹ kế trong nửa đầu năm 2024, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 1.044,06 tỷ đồng, giảm 77,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 191,21 tỷ đồng, giảm 90,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn lợi nhuận trong quý II/2024 do quý I/2024, Công ty ghi nhận lỗ 76,73 tỷ đồng.
Trong đó, nếu xét về cơ cấu doanh thu trong nửa đầu năm 2024, doanh thu giảm chủ yếu do doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng giảm 88,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 4.009,9 tỷ đồng về 531,5 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2024, Kinh Bắc đặt kế hoạch tổng doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.000 tỷ đồng.
Như vậy, với việc chỉ ghi nhận lãi 191,21 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, Kinh Bắc mới hoàn thành 4,8% so với kế hoạch tham vọng lãi 4.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Tiền mặt tăng thêm 6.069,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024
Về quy mô tài sản, tính tới ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Kinh Bắc tăng 22,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 7.469,7 tỷ đồng, lên 40.903,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 12.887,4 tỷ đồng, chiếm 31,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 10.084,9 tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 8.775,2 tỷ đồng, chiếm 21,5% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 4.765,3 tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, biến động tài sản chủ yếu khoản mục tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 224,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 6.069,7 tỷ đồng, lên 8.775,2 tỷ đồng.
Ngược lại, bên phần nguồn vốn, biến động tăng chủ yếu do khoản mục phải trả dài hạn khác tăng 207,1 lần so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 5.675,5 tỷ đồng lên 5.702,9 tỷ đồng.
Kinh Bắc thuyết minh phải trả dài hạn khác chủ yếu do ghi nhận 5.702,9 tỷ đồng nhận đặt cọc dài hạn.
Như vậy, Kinh Bắc đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng thuê đất, Công ty đang sử dụng tiền này để gửi ngân hàng, vì vậy đối ứng tiền mặt tăng cao.
Thêm nữa, về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý II/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 33,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.240,7 tỷ đồng, lên 4.900 tỷ đồng và bằng 24% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm dư nợ 3.659,3 tỷ đồng và bằng 18,1% tổng vốn chủ sở hữu).