Ngân hàng
Lợi nhuận ngân hàng ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào tăng
Thùy Vinh - 26/12/2022 09:28
Room tín dụng chỉ được nâng trong 3 tuần cuối của năm 2022, chi phí đầu vào tăng cao là những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ngân hàng giảm.

Ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất đầu ra với các khoản vay bất động sản và vay cá nhân, trong khi với các ngành nghề ưu tiên mức lãi suất tăng ít hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhanh, ngân hàng sẽ phải tiết giảm chi phí để hạn chế mức tăng lãi suất cho vay.

Ngân hàng buộc chấp nhận hy sinh lợi nhuận khá nhiều, bởi có đến 80% thu nhập ngân hàng đến từ thu lãi thuần từ cho vay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp, nhà băng nào cho vay lãi suất thấp sẽ được ưu tiên phân bổ mức tín dụng nhiều hơn.

Thực tế, tháng 12/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất cho vay trên dưới 2%, như Vietcombank, Agribank, HDBank, ACB…

Đáng chú ý, làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng tăng dần và cuộc đua “nóng” lên từ tháng 10, tiếp tục kéo dài sang tháng 12. Bên cạnh một số ngân hàng đưa ra các sản phẩm tiền gửi lãi suất cao, thì lãi suất tiền gửi thông thường của nhiều ngân hàng hiện cũng đã ở mặt bằng cao hơn khá nhiều so với cách đây 2 tháng. Mức lãi suất 9,5-10%/năm đối với kỳ hạn ngắn từ 9 tháng trở xuống không còn cao nhất, mà trở thành phổ biến. Một số ngân hàng quy mô nhỏ và vừa còn đẩy lãi suất tiền gửi lên 11,5-13%/năm.

Vì thế, các nhà phân tích thị trường và Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ chậm lại kể từ quý IV/2022, bởi thu nhập ngoài lãi sẽ chậm lại theo khó khăn chung của thị trường bất động sản và chứng khoán. Trong đó, thu nhập từ mảng môi giới và dịch vụ ngân hàng đầu tư chịu tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Còn thanh khoản thị trường bất động sản bị tắc nghẽn gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thanh lý tài sản thế chấp là bất động sản để thu hồi nợ ngoại bảng. Mặc dù quỹ dự phòng của các ngân hàng đang khá dày và chất lượng tài sản tương đối ổn, nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm khi bất động sản khó khăn. Nợ xấu sẽ tăng hơn khi các động thái kiểm soát tín dụng khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn.

Trong quý III/2022, lợi nhuận trước thuế từ báo cáo tài chính của 17 ngân hàng niêm yết tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu so với quý II/2022, lợi nhuận quý III/2022 của các ngân hàng được theo dõi vẫn giảm khoảng 3% và chủ yếu xuất phát từ thu nhập ngoài lãi giảm 15,2%. Các chuyên gia ACBS nhận định, ngoài cạn room tín dụng, do chứng khoán diễn biến kém thuận lợi khiến lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng gần như bằng không trong quý III/2022.

Chính việc tăng lãi suất quá cao và nhanh trong thời gian qua được chuyên gia đánh giá là có thể sẽ gây ra áp lực lớn cho các ngân hàng về lợi nhuận. Bởi lẽ, lãi suất cho vay dù có thể sẽ được các ngân hàng điều chỉnh, nhưng mức tăng có thể sẽ không nhiều như tăng lãi suất huy động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chậm lại là lãi suất huy động tăng, đẩy chi phí huy động vốn cao hơn, khiến biên lãi thuần sụt giảm. Đồng thời, tốc độ tăng lợi nhuận ngân hàng chậm lại do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để đối mặt với nợ xấu tăng.

Tin liên quan
Tin khác