Ngân hàng
Lợi nhuận ngân hàng: Hồ hởi với những con số hàng ngàn tỷ đồng
Vân Linh - 12/08/2018 18:52
Hoạt động ngành ngân hàng được cải thiện khi nền kinh tế hồi phục, tín dụng tích cực và mảng tín dụng đóng góp khá tích cực vào lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng của không ít nhà băng trong nửa đầu năm nay. Các ngân hàng kỳ vọng kinh doanh 6 tháng cuối năm tiếp tục khởi sắc, vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Kết quả kinh doanh khởi sắc

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) tiến hành vào tháng 6/2018 cho thấy, hầu hết các tổ chức tín dụng đánh giá kết quả hoạt động - kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý II/2018 và kỳ vọng kết quả năm nay tăng cao hơn so với năm trước. Nhận định về tình hình kinh doanh trong quý II/2018, có 67,4% tổ chức tín dụng cho rằng, đã có cải thiện hơn so với quý trước đó. Điều này được chứng minh qua kết quả kinh doanh do các ngân hàng công bố gần đây, với lợi nhuận đạt được hàng ngàn tỷ đồng sau khi đã trích dự phòng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, HDBank đạt lợi nhuận 2.063 tỷ đồng, tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, HDBank đạt lợi nhuận 2.063 tỷ đồng, tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của HDBank có nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, so với cùng kỳ năm 2017, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 172%, thu nhập từ lãi thuần tăng 34%, thu nhập thuần từ hoạt động đầu tư chứng khoán tăng 169%, thu nhập khác tăng 93%. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA) đạt 1,74%, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,11%, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 13,45%; nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,31% (riêng HDBank là 0,93%).

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản HDBank đạt 191.293 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78,8% kế hoạch năm 2018. Tổng huy động vốn đến cuối tháng 6/2018 đạt 167.691 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 79,4% kế hoạch năm 2018. Tổng dư nợ (không bao gồm trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC) đạt 125.130 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2017 (trong đó riêng HDBank tăng trưởng 14,5%), tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước, bằng 80,3% kế hoạch năm 2018.

Với kết quả tăng trưởng khả quan, HDBank dự kiến hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận hợp nhất 3.933 tỷ đồng đặt ra đầu năm nay. Đáng chú ý, HDBank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 4.700 tỷ đồng sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập PG Bank.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, HDBank có những hoạt động nổi bật như phát triển thêm 119.507 khách hàng cá nhân và 1.005 khách hàng doanh nghiệp; mở thêm 16 điểm giao dịch, đạt 256 điểm giao dịch trên toàn hệ thống. HDBank đã tổ chức 354 khóa đào tạo, với sự tham gia của 11.512 cán bộ - nhân viên; tuyển dụng 1.043 cán bộ - nhân viên mới; nâng lương cho 4.500 cán bộ - nhân viên ở mức 5 - 25%.

HDBank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 4.700 tỷ đồng sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập PGBank.

 

Nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực trong quý II/2018. Có 51,1% tổ chức tín dụng cho rằng, nhu cầu vay vốn đang cao. Tỷ lệ tổ chức tín dụng lựa chọn mức “cao” với nhu cầu tiền gửi, nhu cầu thanh toán và thẻ lần lượt là 36,9% và 35,4%. Vì vậy, hầu hết tổ chức tín dụng kỳ vọng, nhu cầu này sẽ tiếp tục gia tăng trong các quý tới, cũng như cả năm 2018.

Trong đó, phải kể đến cho vay tiêu dùng nhỏ, lẻ, với biên lợi nhuận thu về từ cho vay cao, đóng góp tích cực vào lợi nhuận. Đó cũng chính là lý do để HDBank đẩy mạnh chiến lược cho vay tiêu dùng thông qua HD Saison.

Quả thực, HD Saison đã đóng góp 400 tỷ đồng vào  tổng lợi nhuận 6 tháng HDBank. Song song với việc phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới phù hợp, tiện ích như cho vay mua vé máy bay VietJet, liên kết với các đối tác Nhật Bản để tạo lợi thế cạnh tranh, hoạt động cho vay tiêu dùng tại HD Saison luôn được thẩm định chặt chẽ. HD

Saison là công ty tài chính tiêu dùng có mạng lưới lớn nhất hiện nay, với 12.548 điểm bán hàng, phục vụ gần 5 triệu khách hàng.

Tác động lên cổ phiếu “vua”

Kết quả kinh doanh tăng mạnh trong 2 quý đầu năm và triển vọng khá tích cực cho cả năm nay đánh dấu một năm trở lại ngoạn mục của “cổ phiếu vua”. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, thời gian qua, các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực tài chính nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, nên cổ phiếu ngành này trở nên hấp dẫn hơn.

Câu chuyện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu cũng được thúc đẩy nhanh hơn. Trong khi đó, mảng tài chính tiêu dùng, bán lẻ của các nhà băng đang tăng trưởng khá cũng tạo đà tốt cho năm 2018. Nhưng nợ xấu được kiểm soát ở mức tốt đã giảm áp lực dự phòng rủi ro cho các ngân hàng, thậm chí còn được hoàn nhập khi nợ xấu được xử lý theo chiều hướng tích cực hơn trước.

Cuộc khảo sát của Vụ Dự báo thống kê cũng cho thấy, kỳ vọng của các tổ chức tín dụng về mức độ rủi ro tổng thể của khách hàng năm 2018 đang tích cực hơn kỳ vọng ghi nhận tại cuộc điều tra của trước. Trong quý III/2018, có 82,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng “ổn định” và 6,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng rủi ro “giảm”. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng có thể giữ ở mức thấp và hầu hết các nhóm tổ chức tín dụng dự kiến tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với cuối năm trước.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng đang có cơ hội phục hồi khá nhanh. Nếu như năm 2016, ROE của toàn hệ thống chỉ quanh mức khoảng 7%, thì đến năm 2017, con số này đã lên đến hơn 11% và đến nay, nhiều ngân hàng đạt trên 20%. Điển hình là ROE của HDBank đạt 21,11% tính đến cuối tháng 6/2018; ROE của VPBank ở mức 22,36%; ROE của Vietcombank đạt 22,71%... Chính điều này mà cổ phiếu “vua” đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Cũng theo ông Nghĩa, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến hệ thống ngân hàng Việt Nam, do họ nhận thấy kinh tế vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng tốt, nên đầu tư vào khu vực tài chính là lựa chọn hàng đầu.

Các tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư nước ngoài đã rót hàng trăm triệu USD vào ngân hàng Việt Nam. Điển hình là Techcombank thu về 370 triệu USD vốn ngoại trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trước khi lên sàn đầu tháng 6/2018. HDBank cũng thu về hơn 300 triệu USD trong đợt bán trên 21% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết đầu năm 2018.

HDBank chính thức đưa 981 triệu cổ phiếu HDB của HDBank chào sàn HoSE ngày 5/1/2018 và nhanh chóng lọt vào Top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, mở màn cho các doanh nghiệp vốn hóa lớn gia nhập thị trường chứng khoán.

Trong 6 tháng qua, cổ phiếu HDB luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư với lượng giao dịch lớn mỗi phiên, nhất là khối ngoại với lượng mua ròng lớn. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng từ 21,5% trong ngày đầu chào sàn lên hơn 27%. Thanh khoản bình quân của HDB đạt 4,5 triệu cổ phiếu/phiên, tương đương 200 tỷ đồng/phiên.

Các tổ chức tín dụng còn kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý III/2018 và cả năm nay, với tỷ lệ lần lượt là 76,1% và 82,6%. Có 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017. Lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 19,05% trong năm 2018.

Tin liên quan
Tin khác