Ngân hàng - Bảo hiểm
Lợi nhuận ngân hàng sẽ bật tăng vào cuối năm
Hà Tâm - 29/06/2020 09:32
Kết quả 6 tháng đầu năm khả quan khiến nhiều ngân hàng dự kiến bức tranh kinh doanh sẽ thay đổi đáng kể vào cuối năm.
Nợ xấu của Vietcombank 6 tháng đầu năm chỉ 0,8%, tăng không đáng kể so với 0,77% cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Đ.T

Nửa đầu năm “hạ cánh mềm”, nửa cuối năm tăng tốc

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank cho hay, năm 2020, Ngân hàng chủ trương “hạ cánh mềm”, nên để ngỏ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, đặt kế hoạch tăng trưởng dư nợ 10%, tổng tài sản tăng 7%, huy động vốn tăng 8%... Tuy vậy, tính đến gần cuối tháng 6/2020, lợi nhuận của Vietcombank đã đạt xấp xỉ cùng kỳ (hơn 11.000 tỷ đồng), dù tín dụng tăng chậm hơn (tăng 3,4%).

Nếu 6 tháng cuối năm, Vietcombank tăng trưởng tín dụng như kế hoạch đề ra cả năm là 10% (tức 6 tháng cuối năm tín dụng tăng gấp đôi 6 tháng đầu năm), thì lợi nhuận sẽ tăng vọt, vượt mức 1 tỷ USD năm 2019. Một lý do nữa khiến Vietcombank có thể tăng tốc lợi nhuận nửa cuối năm là nợ xấu được kiểm soát tốt, khiến hoàn nhập dự phòng có thể quay về lợi nhuận vào cuối năm.

Tương tự, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 tương đương năm 2019 (hơn 10.000 tỷ đồng), song lợi nhuận 6 tháng ước đạt 6.000 tỷ đồng, khả năng vượt mục tiêu cả năm là trong tầm tay.

Techcombank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay chỉ tăng 1% so với năm ngoái, song ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank tin rằng, kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng sẽ thay đổi trong quý III, quý IV nếu kinh tế trong nước và thế giới phục hồi nhanh. 

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho hay, ban đầu, Ban Điều hành HDBank dự kiến, Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới 15% dư nợ của Ngân hàng, song thực tế đến nay, chỉ 4% dư nợ bị ảnh hưởng, do đó, kết quả kinh doanh năm 2020 không đến mức đáng lo. Trong quý I/2020, dư nợ của HDBank tăng gần 6%, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ 6 tháng đầu năm có khả năng trên 2.300 tỷ đồng, tức tăng 26% so với cùng kỳ.

Tín dụng có thể bật lại ở một số ngành

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, một số thị trường gặp khó khăn… sẽ khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam thời gian tới. Một số ngành như công nghiệp, công nghiệp phụ trợ… sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Khi người lao động có việc làm, sức mua tăng, cầu đầu tư tín dụng, tiêu dùng sẽ tăng theo.

Tín dụng vẫn tăng ở một số ngân hàng

Dù bức tranh tín dụng chung toàn hệ thống vẫn khá ảm đạm (6 tháng đầu năm ước chỉ tăng 3-4%), nhưng tại một số ngân hàng như HDBank, VPBank, TPBank, OCB, Sacombank…, tín dụng vẫn tăng trưởng tốt. Lãnh đạo nhiều nhà băng nhận định, tín dụng sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm.

“Với những tín hiệu tích cực trên, tôi hy vọng, kinh tế hồi phục nhanh dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng theo. Có thể sang quý IV/2020, tăng trưởng tín dụng sẽ bật lên. Tuy nhiên, tín dụng tăng không đều ở tất cả các lĩnh vực, riêng tín dụng xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp khó”, ông Tùng nhận định.

Một số ngân hàng đã “bắt sóng” tín dụng khu công nghiệp. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho hay: “Ngân hàng đã chuẩn bị sản phẩm cho vay khu công nghiệp để đón việc dịch chuyển đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới, trên cơ sở thẩm định thận trọng”.

Có thể nói, hầu hết các ngân hàng linh hoạt xoay chuyển cơ cấu tín dụng, kiểm soát tốt danh mục tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu… đều đang trụ vững sau dịch. VPBank vốn có thế mạnh về tín dụng tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương…, song đã chuyển hướng nhanh sang các cho vay mua nhà, cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn.

Ngoài thế mạnh là cho vay bất động sản, Techcombank còn đa dạng hóa nguồn thu qua phát hành trái phiếu, ngân hàng giao dịch, bảo hiểm… HDBank cũng đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, giấy tờ có giá, các sản phẩm an toàn mà lợi nhuận cao. Vietcombank nỗ lực nâng tỷ trọng thu nhập từ lĩnh vực phi dịch vụ lên 35%, tập trung vào thẻ, bảo hiểm, kinh doanh ngoại tệ, tài trợ thương mại…

Tin liên quan
Tin khác