Theo Thống đốc Bình, không thể phủ nhận vai trò to lớn của Ngân hàng CSXH trong vai trò xoá đói giảm nghèo |
Các con số ấn tượng
Ông Võ Minh Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết, tính đến ngày 31/12/2014, tổng dư nợ của vùng ĐBSCL là 22.384 tỷ đồng, tăng gấp hơn 14 lần so với năm 2003 (thời điểm thành lập Ngân hàng CSXH) và chiếm tỷ trọng hơn 17% tổng dư nợ vay của toàn hệ thống Ngân hàng CSXH.
Sau 3 năm triển khai Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại Khu vực ĐBSCL đã đạt được một số kết quả: Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng tín dụng chính sách bình quân hàng năm là 10,76%; Thứ hai, nợ quá hạn giảm dần từng năm và là chỉ tiêu đạt vượt so với kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2014, tổng nợ quá hạn trong vùng là 160 tỷ đồng, giảm 475 tỷ đồng (giảm 74,8%); Thứ ba, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn cải thiện theo chiều hướng tích cực, số Tổ xếp loại tốt đã tăng từ 35,78% lên 67,8% và không còn tổ xếp loại kém…
Đặc biệt Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 về tín dụng đối với hộ cận nghèo do Ngân hàng CSXH tham mưu được phê duyệt, dù mới triển khai từ 16/4/2013 nhưng đến cuối năm 2014, dư nợ cho vay hộ cận nghèo tại Ngân hàng CSXH đạt 17.140 tỷ đồng, chiếm trên 13% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng, trong đó dư nợ cho vay hộ cận nghèo khu vực ĐBSCL đạt 2.859 tỷ đồng.
Theo đó, những năm qua, tại vùng ĐBSCL, đã có trên 5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giúp cho trên 700 nghìn hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 500 nghìn lao động, với hơn 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ hơn 400 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…
Ông Nguyễn Tấn Lực, ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, đang vay 15 triệu đồng để đan giỏ trồng hoa kiểng từ chương trình tín dụng chính sách hộ nghèo của Ngân hàng CSXH từ tháng 3 năm 2014 nói: “Trước đây khi chưa được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH mà gia đình lại cần vốn đã phải tìm đến tín dụng đen với chi phí cao. Ví dụ như vay 1 triệu đồng/tháng phải trả lãi 10% tới 100 ngàn nhưng giờ có nguồn vốn của Ngân hàng CSXH với mức lãi suất có 0,6% như vậy là rất thuận lợi”.
Tiếp tục là chỗ dựa cho người nghèo
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH chia sẻ, đi công tác nhiều nơi nhưng không đâu có mô hình phục vụ cho người nghèo tốt như ở Việt Nam. Cách đây 15 năm Việt Nam đã đi học hỏi nhiều mô hình của các quốc gia và tự hỏi “chúng ta có học được như bạn không?”. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã triển khai thực hiện rất tốt mô hình ngân hàng không cho không, có vay có trả, có hoạt động sản xuất kinh doanh…
Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Ngân hàng CSXH tặng quà Tết cho người dân xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ |
“Chúng ta không hoàn toàn thị trường mà có hỗ trợ về cơ chế chính sách, xác định bộ máy để đảm bảo thực hiện được đúng quyền lợi của người nghèo. Và đặc biệt, không có ngân hàng nào mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chỉ thị riêng như Ngân hàng CSXH với bộ máy bao gồm Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT và HĐQT gồm rất nhiều thứ trưởng, mạng lưới đến tận xã… Không thể phủ nhận vai trò to lớn của Ngân hàng CSXH trong vai trò xoá đói giảm nghèo”, ông Bình nhấn mạnh.
Tuy vậy, Thống đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH cũng rất trăn trở, phải làm gì để giúp người nghèo hiệu quả và bền vững hơn? Về nguồn vốn, hiện đã được đề cập nhiều nhưng cũng phải nhìn nhận ở không ít địa phương còn có tư tưởng ỷ lại cho nên phân bổ ngân sách địa phương không dành nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH.
“Có lần tôi đi công tác tại một tỉnh rất nghèo, thu ngân sách không đáp ứng nổi 1/10 chi ngân sách nhưng tôi được giới thiệu quảng trường của tỉnh được xây dựng hoành tráng, quá đẹp tính ra chi phí không dưới 500 tỷ còn nếu ở Hà Nội xây phải mất tới 1.000 tỷ đồng… Giá lãnh đạo địa phương đưa tôi để Ngân hàng CSXH cho vay thì chỉ vài năm nữa, địa phương này thoát nghèo”, Thống đốc tiếc nuối.
Thống đốc cũng khẳng định, cần nâng chuẩn hộ nghèo cao lên bởi nếu để bà con tự xoay xở rất khó khăn, cùng với đó bằng mọi cách phải cung cấp đầy đủ nguồn vốn để ngân hàng thực sự thành chỗ dựa phục vụ, chăm lo cho người nghèo thường xuyên và xuyên suốt…
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội đã đến thăm và trao tặng 100 suất quà Tết cho các hộ nghèo tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. |
Hồng Dung