Thị trường thu hút các nhà đầu tư nhờ nguồn cung trái phiếu 3 năm dồi dào và nhu cầu thay thế trái phiếu đáo hạn. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng đưa ra những sản phẩm mới trong tháng 12 như trái phiếu kỳ hạn dài và trái phiếu không trả lãi định kỳ với kỳ hạn 3 năm, đạt tỷ lệ huy động lên tới 100%.
Mặc dù khối lượng phát hành quý IV/2015 rất cao, tổng lượng huy động của cả năm vẫn chỉ tăng rất thấp so với năm 2014. Chính phủ huy động thành công 274.469 tỷ đồng trái phiếu và tín phiếu năm 2015, tăng 4,26% so với 2014. Trái phiếu chính phủ và Chính phủ bảo lãnh phát hành được 243.339 tỷ đồng, chỉ tăng 2,8%. Mức tăng khá thấp này là vì kết quả phát hành thấp trong 3 quý đầu do chịu ảnh hưởng từ tăng trưởng tín dụng, VND mất giá và thiếu hụt nguồn trái phiếu ngắn hạn dưới 5 năm.
Tổng cộng cả năm 2015, Kho bạc Nhà nước phát hành được 195.396 tỷ đồng, hoàn thành 51,2% kế hoạch phát hành cả năm, giảm 7% so với năm 2014. Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động thành công 14.949 tỷ đồng, tăng 218% và Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành được 32.994 tỷ đồng, tăng 43%. Về kỳ hạn trái phiếu phát hành, trái phiếu 3 năm và 5 năm chiếm tỷ trọng cao nhất.
lợi suất trái phiếu 5 năm có thể đạt 7 - 7,3% trong năm 2016 |
Năm 2015, lợi suất trái phiếu tăng khá cao so với năm 2014. Việc lợi suất tăng chủ yếu là do nhu cầu trái phiếu quá thấp trong năm; tuy nhiên việc khối lượng phát hành tăng mạnh trong quý IV cũng không kéo lợi suất giảm xuống. Tính tới cuối năm, lợi suất phát hành trái phiếu 5 năm trên thị trường sơ cấp đã tăng 18 điểm cơ bản so với 2014, đạt mức 6,58%/năm. Lợi suất 10 năm đạt mức 6,95%/năm, tăng 76 điểm và lợi suất 3 năm cũng tăng 55 điểm lên mức 5,74%/năm. Chỉ riêng lợi suất 15 năm giảm nhẹ, 15 điểm, đạt mức 7,65%/năm.
Lợi suất trái phiếu năm 2015 duy trì ở mức khá cao do những biến động tỷ giá và khối lượng lớn trái phiếu được chào thầu trên thị trường. Những bất ổn tỷ giá khiến các nhà đầu tư lo ngại về việc VND mất giá, khiến các tài sản có giá trị bằng VND trở nên kém hấp dẫn hơn so với việc đầu cơ ngoại tệ. Điều này cũng là mối lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, một khối lượng lớn trái phiếu được gọi thầu trong quý IV.
Chúng tôi cho rằng, lợi suất sẽ tiếp tục tăng, lợi suất trái phiếu 5 năm đạt 7-7,3% trong năm 2016 vì những lý do sau:
Một lượng lớn trái phiếu sẽ được chào thầu để hỗ trợ ngân sách nhà nước. Quốc hội cũng chấp thuận phát hành trái phiếu 3 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng phát hành, như vậy 70% lượng trái phiếu chào thầu sẽ có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Trong khi đó, các nhà đầu tư thường chú trọng tới trái phiếu 3 năm hơn vì tính thanh khoản cao và rủi ro thấp.
Mặc dù nguồn cung sẽ rất lớn, nhưng nhu cầu trái phiếu từ cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế dường như đều thấp.
Những áp lực lớn tiếp tục đè lên tỷ giá USD/VND vì lo ngại nhân dân tệ tiếp tục mất giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong năm 2016. Các nhà đầu tư trích lập một phần vốn của mình để đầu cơ ngoại tệ khi tỷ giá tăng, thay vì mua trái phiếu VND. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ cao(18%- 20%), và hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục các hoạt động tái cơ cấu trong năm 2016, khiến nguồn vốn dành cho đầu tư trái phiếu suy giảm.
Áp lực tiền đồng mất giá cũng sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại. Phí bảo hiểm rủi ro tín dụng của Việt Nam (CDS) cũng ở mức cao vào năm 2015 (285 điểm, tăng 87,9 điểm so với 2014), cho thấy mức độ rủi ro cao của trái phiếu chính phủ Việt Nam.