Công trình trọng điểm Đường tỉnh 830 tạo bước đột phá về giao thông cho tỉnh Long An Ảnh: báo Long An online |
Đón sóng đầu tư
Khi tốc độ lan tỏa về công nghiệp, đô thị, dịch vụ của TP.HCM tới các tỉnh lân cận ngày càng diễn ra mạnh mẽ, Long An - địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược tiếp giáp TP.HCM, cửa ngõ kết nối các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, có quỹ đất dồi dào, tiềm năng đa dạng… nên có nhiều lợi thế trong tiếp nhận “làn sóng” lan tỏa đó.
Trong những năm qua, bên cạnh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo quỹ đất sạch…, tỉnh Long An đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp với Cảng Long An tạo liên kết nội vùng trong tỉnh, hạ tầng giao thông kết nối với TP.HCM và vùng lân cận, nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định một trong 2 chương trình đột phá và cả 3 công trình trọng điểm của tỉnh đều thuộc lĩnh vực giao thông. Cụ thể là “Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm” với danh mục gồm 14 tuyến giao thông huyết mạch nằm trên địa bàn các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt kết nối đến Cảng Long An và các tuyến giao thông của TP.HCM. Còn 3 công trình trọng điểm gồm đường tỉnh 830 (Đức Hòa - Tân Tập), Quốc lộ 50 và Cảng Long An; đường Vành đai TP. Tân An; trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TP.HCM.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần đầu tư nâng cấp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An, tăng cường kết nối các khu, cụm công nghiệp, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập...
Tỉnh Long An tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ ảnh: báo long an online |
Đầu tư 8 công trình giao thông vùng kinh tế trọng điểm
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, nhưng để hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh thực sự đồng bộ, thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng yêu cầu phát triển thì cần phải tiếp tục đầu tư.
Trong khi nhu cầu vốn để phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn, nhưng nguồn lực địa phương còn hạn chế, nguồn vốn ngân sách nhà nước phải cân đối, bố trí vốn đáp ứng nhiều mục tiêu khác, nên việc tiếp tục huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư là cần thiết.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định thực hiện “Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh”.
Chương trình nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế để cùng với ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đưa công nghiệp, dịch vụ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra. Theo đó, Chương trình xác định đầu tư 8 công trình giao thông, với mức đầu tư dự kiến là 11.897 tỷ đồng.
Cụ thể, gồm các công trình: Đường Lương Hòa - Bình Chánh; Đường Hựu Thạnh - Tân Bửu; Đường tỉnh 826E (đoạn từ giao 826C đến cầu Cần Giuộc); Đường kết nối đường dẫn vào cầu rạch Dơi đến ĐT.826E; Trục động lực Đức Hòa; Đường Tân Tập - Long Hậu (đoạn từ Vành đai 4 đến Đường tỉnh 830); Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 824 (đoạn ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu kênh Ranh); Nút giao Hùng Vương - Quốc lộ 62 (TP. Tân An)
Để đảm bảo các công trình hoàn thành đúng thời gian, đưa vào sử dụng có hiệu quả và tạo cơ sở cho các ngành, các cấp, các doanh nghiệp xây dựng những định hướng đầu tư phù hợp, tỉnh Long An sẽ tập trung công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch liên quan để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, qua đó làm cơ sở đầu tư các công trình hạ tầng và kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình, triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư các dự án có liên quan; có cơ chế gắn trách nhiệm của nhà đầu tư đối với từng dự án, công trình cụ thể. Xây dựng tiến độ thực hiện cụ thể gắn với phân công, phân nhiệm rõ ràng. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nghiệm đối với các trường hợp vi phạm.
Tỉnh Long An khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị. Huy động vốn đầu tư thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP), giao khai thác quỹ đất... Đồng thời, chú trọng hình thức huy động doanh nghiệp cùng nhà nước đầu tư kết cấu tầng có liên quan trực tiếp đến lợi ích của dự án, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp.