Đầu tư
Long An “thỏi nam châm” mới thu hút nhà đầu tư Nhật Bản
Lê Quân - 29/07/2023 18:04
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đổ về Long An đầu tư vì địa phương này như một “ thỏi nam châm” mới thu hút vốn FDI nhờ cải thiện hạ tầng, môi trường đầu tư và quỹ đất rộng…

Ngay sau khi tỉnh Long An công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 hôm 25/7, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đang đổ về Long An tìm cơ hội đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Nhật Bản năm 2023 diễn ra ngày 28/7, hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Long An và mong muốn đầu tư vào địa phương này.

Các doanh nghiệp trao đổi về cơ hội hợp tác đầu tư bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư Nhật Bản năm 2023 tại Long An.

Phát biểu tại hội nghị, ông Katsuhiko Usui, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam nói rằng: “14 năm trước, chúng tôi đã đúng khi chọn Long An để xây dựng nhà máy bia” .

Ông giải thích rằng lý do Sapporo chọn Long An đặt nhà máy vì tại đây có nguồn nước tốt để nấu bia. Long An cũng gần các cảng lớn và có kết nối đường bộ với TP.HCM. Hơn nữa, Long An nằm sát TP.HCM thị trường tiêu thụ bia lớn nhất tại Việt Nam.

Và quan trọng hơn là khi đến Long An đầu tư, Sapporo được chính quyền tỉnh Long An tại mọi điều kiện thuận lợi khi xây dựng nhà máy.

Cũng đề cập đến lý do vì sao các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Long An đầu tư, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, những lý do hàng đầu để các công ty Nhật Bản chọn một quốc gia khác làm điểm đến đầu tư là quy mô thị trường, chi phí lao động và sự ổn định của thị trường.

Đối với miền Nam Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên đầu tư vào TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trong số 4 địa phương, Long An hiện có nhiều tiềm năng hơn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản khi tỉnh này đang nổi lên như một “ thỏi nam châm” thu hút vốn FDI mới.

Nói thêm về tiềm năng của Long An, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, ông Ono Masuo cho rằng, Long An là địa phương có vị trí quan trọng, kết nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL.

Hơn nữa, Long An có rất nhiều khu công nghiệp và quỹ đất dành cho sản xuất, hiện nay số doanh nghiêp Nhật Bản đầu tư  vào Long An đã vượt con số 100 doanh nghiệp và cũng là địa phương có số lượng doanh nghiệp Nhật Bản nhiều nhất trong khu vực ĐBSCL.

Ngoài ra, Long An còn có sự hợp tác với các địa phương của Nhật Bản như tỉnh Ibaraki và TP. Okayama, Aichi, Hyogo, Wakayama.

Thêm vào đó, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của Long An được dự báo sẽ phát triển rất tốt trong thời gian tới khi tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ hoàn thành trong thời gian tới sẽ giúp kết nối trực tiếp Long An đến sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

“Tôi kỳ vọng vào những thay đổi hơn nữa về sự cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới, đây sẽ  là những yếu tố để góp phần đưa thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến với Long An” ông ông Ono Masuo nói với sự kỳ vọng lớn.

UBND tỉnh Long An ký kết bản tuyến bố chung về hợp tác với tỉnh Ibaraki của Nhật Bản ngày 28/7 tại Long An.

Theo số liệu công bố của UBND tỉnh Long An, đến nay trên địa bàn tỉnh có 138 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản với vốn đầu tư 767 triệu USD. Thời gian qua, các dự án của Nhật Bản tại Long An không ngừng mở rộng quy mô và tăng vốn đầu tư. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Long An.

Tuy nhiên, để thu hút được các doanh nghiệp Nhật Bản đến Long An đầu tư nhiều hơn nữa, các doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất tỉnh Long An cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ sư phục vụ cho ngành công nghiệp để đáp ứng nhu cầu về lao động cho doanh nghiệp Nhật Bản.

Bên cạnh vấn đề nguồn nhân lực, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM đề xuất tỉnh Long An cần phát triển cả hệ thống trường học, bệnh viện để phục vụ cho các gia đình người Nhật đến sinh sống và làm việc tại Long An

Ông cho biết, ở phía Nam có nhiều người Nhật sống ở TP.HCM vì đây là nơi có các trường học và bệnh viện quốc tế. Tuy nhiên, ở Long An hiện nay, có thể bệnh viện vẫn chưa cung cấp được hồ sơ bệnh án bằng tiếng Anh nên các chuyên gia người Nhật gặp khó khăn khi sống và làm việc tại đây.

Phát biểu trước đông đảo các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cam kết, thời gian tới tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư bằng việc rút ngắn thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư chỉ còn từ 1-3 ngày làm việc.

Về hạ tầng, Long An cũng đang xây dựng hàng loạt tuyến đường kết nối với TP.HCM và các địa phương trong vùng như đường Vành đai 3. Long An đã xác định 6 tuyến đường tạo động lực phát triển và đang tiến hành xây dựng.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, để hiện thực hóa quy hoạch vừa được duyệt, tỉnh đang xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể theo lộ trình từ nay đến năm 2025 và từ 2025-2030. Sau khi có kế hoạch thực hiện tỉnh Long An sẽ thông tin đến nhà đầu tư biết để có định hướng đầu tư. 

Tin liên quan
Tin khác