Điểm nóng
Long An thu hồi nhiều dự án bất động sản
Việt Dũng - 31/08/2023 09:44
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Long An đã thu hồi, chấm dứt hoạt động 35 dự án bất động sản chậm triển khai, gồm 28 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 2.857,5 tỷ đồng, 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 20,3 triệu USD.
Phối cảnh Dự án Khu dân cư Viettin Eco Land - một dự án bị thu hồi ở Long An

Nhiều lý do bị thu hồi

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản phía Nam đang xôn xao về việc UBND tỉnh Long An ra quyết định thu hồi nhiều dự án trên địa bàn. Trong các dự án trên, 27 dự án có sử dụng đất bị thu hồi chủ trương đầu tư hoặc tự chấm dứt dự án, với tổng diện tích 205,7 ha; 8 dự án thuê nhà xưởng thu hồi chủ trương đầu tư, hoặc tự chấm dứt dự án với tổng diện tích 7,2 ha.

Riêng tại huyện Đức Hòa đã có gần chục dự án bất động sản bị chấm dứt hoạt động. Các doanh nghiệp đầu tư phải thực hiện thủ tục thanh lý dự án. Cụ thể là Dự án Khu dân cư (khoảng 5 ha) của Công ty TNHH MTV Khang Thịnh Phát Long An; Dự án Khu dân cư Green Pearl (khoảng 8,6 ha) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng bất động sản Green Pearl làm chủ đầu tư; Dự án Khu dân cư Viettin Eco Land (5,5 ha) do Công ty TNHH Bất động sản Viettinland Long An thực hiện; Dự án Khu dân cư Dương Gia Thịnh - Hiệp Hòa (13,4 ha) của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Dương Gia Thịnh…

Doanh nghiệp bất động sản mong muốn thủ tục pháp lý nhanh chóng, nhất là trong việc chuyển mục đích sử dụng đất để thuận lợi trong việc triển khai dự án. Tránh trường hợp dự án bị thu hồi, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.

Tại huyện Bến Lức cũng có nhiều dự án có diện tích lớn bị chấm dứt hoạt động như: Dự án Khu dân cư của Công ty TNHH Đức Minh Long An có diện tích 25 ha; Khu dân cư nông thôn của Công ty TNHH Sài Gòn An Lạc, diện tích 28 ha; dự án Khu dân cư Thanh Phú 3 của Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Nam Nam Thiên, diện tích 20 ha...

Một số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể kể đến như Nhà máy sản xuất giày dép của Công ty TNHH MTV High Appraise Vietnam (5,96 ha); Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại PUTE (0,32 ha)...

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tỉnh Long An đã thực hiện rà soát, xử lý vi phạm hành chính 26 dự án. Trong đó, ban hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đầu tư với số tiền gần 1,1 tỷ đồng và lập biên bản nhắc nhở 9 dự án.

Hành vi vi phạm chủ yếu của các dự án là không thực hiện đúng nội dung tại quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư (trễ tiến độ, hoạt động không đúng mục tiêu); không báo cáo hoạt động đầu tư.

Doanh nghiệp than khó

Ghi nhận thực tế cho thấy, thị trường bất động sản của tỉnh Long An trong thời gian qua có những bước tiến quan trọng với nhiều dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới được hình thành, không chỉ đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, gây khó khăn trong việc triển khai dự án. Đơn cử, trường hợp của Tập đoàn quốc tế Năm Sao, đang triển khai đầu tư 2 dự án tại xã Long Trạch (huyện Cần Đước) là Dự án Khu tái định cư với diện tích khoảng 14,8 ha và Dự án Khu đô thị hơn 77 ha.

Trong đó, Dự án Khu tái định cư đang tiến hành kê biên, kiểm đếm để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, dự án đã phải dừng lại để chờ Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp.

Đối với Dự án Khu đô thị quốc tế Năm Sao, hiện đang thực hiện giai đoạn III và IV với diện tích 195 ha cũng chưa thể triển khai được vì còn phải chờ cơ quan chức năng của tỉnh xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi mục đích đất lúa sang đất phi nông nghiệp.

Tương tự, trên địa bàn tỉnh Long An còn có Dự án Khu công nghiệp Đông Nam Á giai đoạn II và Dự án Khu đô thị Đông Nam Á Long An giai đoạn II, do Công ty cổ phần Tập đoàn Đồng Tâm cũng bị chậm trong thực hiện công tác đền bù cho người dân. Nguyên nhân là do chủ đầu tư đang gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục xin chuyển đổi đất lúa sang đất phi nông nghiệp.

Dự án chậm được chuyển đổi mục đích sử dụng đất không chỉ khiến cho doanh nghiệp “bất động”, mà người dân có đất nằm trong quy hoạch dự án cũng rất khổ sở vì ruộng bỏ hoang, nhà hư dột không thể xây dựng lại; đất đai cũng không thể thế chấp ngân hàng để có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Thông tin về việc doanh nghiệp gặp khó trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 2 dự án của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, hiện nay, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy hoạch vừa được phê duyệt, chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp trước ngày 30/9/2023 để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo; hoàn thành các thủ tục, đưa dự án vào hoạt động vào cuối năm 2024.

Tin liên quan
Tin khác